Chủ nhật, 29/06/2025
  • Click để copy

Bộ Xây dựng: Trung tâm giao dịch bất động sản dự kiến vận hành năm 2026

08:09, 29/06/2025

Trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý dự kiến vận hành năm 2026, kỳ vọng kiểm soát tính minh bạch nguồn cung và hỗ trợ kết nối sàn giao dịch, môi giới, cơ quan quản lý.

Phát biểu tại Ngày hội môi bất động sản Việt Nam 2025 diễn ra vào ngày 28/6, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, thời gian vừa qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng cũng ghi nhận sự trưởng thành mạnh mẽ của đội ngũ các thành phần tham gia thị trường, trong đó có lực lượng môi giới bất động sản.

Không thể nói đến một thị trường bất động sản minh bạch, chuyên nghiệp nếu không có sự tham gia hiệu quả của đội ngũ môi giới. Họ là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, là cầu nối giữa cung - cầu, là “tai mắt” nắm tình hình thị trường và cũng là “người gác cửa” góp phần xây dựng niềm tin vào sản phẩm và doanh nghiệp.

 Bộ Xây dựng: Trung tâm giao dịch bất động sản dự kiến vận hành năm 2026.

 Bộ Xây dựng: Trung tâm giao dịch bất động sản dự kiến vận hành năm 2026.

Phát biểu tại ngày hội, bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng bày tỏ nhiều trăn trở về sự phát triển của nghề môi giới bất động sản cũng như hoạt động của các sàn giao dịch.

Theo bà, có 2 vấn đề cốt lõi đang được đặt ra: Làm thế nào để hoạt động hành nghề môi giới và sàn giao dịch bất động sản phát triển một cách bền vững, an toàn? Và làm thế nào để đảm bảo tính pháp lý minh bạch của sản phẩm bất động sản đưa vào kinh doanh?

Trong tiến trình cải cách thể chế, đặc biệt là với Luật Kinh doanh bất động sản 2023, môi giới bất động sản chính thức được xác lập là một nghề quan trọng, có vị thế pháp lý rõ ràng trong nền kinh tế. Nếu trước đây, vai trò của môi giới chủ yếu là kết nối người mua và người bán, thì hiện nay, theo bà Hạnh, đội ngũ này còn đảm nhiệm một sứ mệnh lớn hơn: Trở thành cầu nối giữa thị trường và cơ quan quản lý nhà nước, góp phần vào quá trình minh bạch hóa thông tin.

“Thông qua các sàn giao dịch chuyên nghiệp và đội ngũ môi giới được trang bị đầy đủ năng lực, chúng ta có thể phản ánh trung thực diễn biến thị trường, đồng thời góp phần kiểm soát tính pháp lý của các sản phẩm đưa vào kinh doanh”, bà Hạnh chia sẻ.

Hiện, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 trao quyền và trách nhiệm rõ ràng cho môi giới và sàn giao dịch, bao gồm việc đảm bảo tính pháp lý của bất động sản được giao dịch, thực hiện nghĩa vụ báo cáo với cơ quan quản lý về tình trạng tuân thủ các yêu cầu liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, điều này cũng đặt lên vai các chủ thể hành nghề một gánh nặng đáng kể.

Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, để xác định được một sản phẩm bất động sản đủ điều kiện kinh doanh, không thể chỉ dựa vào một đạo luật duy nhất mà cần tổng hòa rất nhiều quy định.

"Đặc biệt, đối với bất động sản hình thành trong tương lai, vốn chưa có giấy tờ hoàn thiện, việc kiểm soát điều kiện pháp lý càng trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong việc kết nối, chia sẻ và liên thông dữ liệu", bà Hạnh nói.

 Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

 Bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với VARS để nghiên cứu và xây dựng một số cơ chế hỗ trợ hành nghề, trong đó đáng chú ý là đề án thành lập Trung tâm Giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý.

"Chúng tôi kỳ vọng trung tâm này sẽ kiểm soát được tính minh bạch của nguồn cung , từ khi bất động sản được xác lập đủ điều kiện giao dịch, đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Đồng thời, trung tâm sẽ hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa các sàn tư nhân với cơ quan Nhà nước, tạo hiệu ứng tích cực cho toàn bộ hệ sinh thái giao dịch", bà Hạnh nói thêm.

Bộ Xây dựng dự kiến sẽ trình đề án này lên Chính phủ vào ngày 30/6, sau đó báo cáo Bộ Chính trị để xin chủ trương trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm. Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2025, trung tâm này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Đây là nỗ lực nhằm tạo dựng một thị trường bất động sản minh bạch, chuyên nghiệp và an toàn hơn, đồng thời bảo đảm cho các nhà môi giới và sàn giao dịch có công cụ pháp lý đầy đủ để yên tâm hành nghề.

Đại diện Bộ Xây dựng khẳng định.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS khuyến nghị, môi giới bất động sản cần tuân thủ pháp luật, giữ gìn chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội; tư vấn đúng đắn, chính xác, hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư một cách hiệu quả và chuyên nghiệp, phù hợp với từng giai đoạn của thị trường.

Cùng với đó, cần kiên quyết nói không với những hành vi tiêu cực, sai phạm, góp phần gìn giữ uy tín, hình ảnh của lực lượng môi giới bất động sản.

nguon danviet.vn

Tin khác

Kinh tế xanh 14 giờ trước
Chiều 28/6, chủ trì Phiên họp thứ 12 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu nghiên cứu, tổ chức phát động phong trào về toàn dân thi đua làm giàu và đóng góp xây dựng đất nước.
Kinh tế xanh 21 giờ trước
Hành khách thuộc nhóm ưu tiên sẽ chi hơn 2,8 triệu đồng cho vé năm (tương đương khoảng 235.000 đồng/tháng). Đối với khách không thuộc nhóm ưu tiên, mức giá là hơn 5,6 triệu đồng/năm (khoảng 470.000 đồng/tháng).
Kinh tế xanh 1 ngày trước
Từ 15-10, thẩm quyền cho vay đặc biệt lãi 0%/năm mà không có tài sản đảm bảo sẽ được chuyển từ Thủ tướng cho Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Kinh tế xanh 2 ngày trước
Từ 15 giờ chiều nay (26.6), giá xăng tiếp tục tăng. Giá xăng RON95 tăng 263 đồng/lít, xăng E5RON92 tăng 280 đồng/lít.
Kinh tế xanh 5 ngày trước
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, mở rộng tín dụng có kiểm soát, ưu tiên lĩnh vực sản xuất; chống tình trạng "đục nước béo cò", đầu cơ vàng, ngoại tệ…