Thứ ba, 14/01/2025
  • Click để copy

Chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác

07:32, 07/12/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 127/CĐ-TTg chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại địa phương.

 Chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại địa phương,

 Chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại địa phương,

Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.

Công điện nêu: Thời gian vừa qua, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giao các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo "Thẻ vàng", trong đó có việc cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy SC) tại các cảng cá, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC) tại các cơ quan quản lý thủy sản địa phương (Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, trong thời gian qua, có tình trạng đơn vị quản lý cảng cá và cơ quan quản lý thủy sản địa phương chưa thực hiện đúng theo quy định hiện hành hoặc áp dụng máy móc, cứng nhắc, lạm dụng quy định để yêu cầu thêm một số nội dung pháp luật chưa quy định đã gây khó khăn trong việc cấp giấy SC, giấy CC phục vụ xuất khẩu thủy sản.

Để nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

1- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tăng cường hướng dẫn, đào tạo, tập huấn để các địa phương triển khai thực hiện đúng các quy định pháp luật trong công tác cấp giấy SC, giấy CC đối với sản phẩm thủy sản khai thác.

- Hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng cấp giấy SC, giấy CC đối với sản phẩm thủy sản khai thác chưa đúng với quy định pháp luật hiện hành hoặc cố tình hiểu sai, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ, tài liệu không được quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gây khó khăn trong việc cấp giấy SC, giấy CC phục vụ xuất khẩu thủy sản.

- Rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động tổ chức, cấp giấy SC, cấp giấy CC; sửa đổi những quy định chưa phù hợp, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến và xuất khẩu hải sản; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những nội dung vượt thẩm quyền.

2- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển:

- Tổ chức thực hiện nghiêm công tác cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy SC), giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC) với các nội dung cụ thể như sau:

+ Chỉ đạo các cơ quan chức năng hiện cấp giấy SC, giấy CC theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; không yêu cầu các hồ sơ, thủ tục mà pháp luật chưa quy định.

+ Theo thẩm quyền, thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định để tạo điều kiện cho ngư dân và doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

+ Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, cố tình gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

+ Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chống khai thác IUU để ngư dân hiểu và tuân thủ đầy đủ.

- Tiếp tục xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá "3 không" theo yêu cầu và thời hạn tại Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu; Tăng cường kiểm soát việc chuyển tải sản phẩm thủy sản khai thác trên biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

3- Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản:

- Tuân thủ đầy đủ các quy định về cấp giấy SC, giấy CC; đảm bảo lập và lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ, tuyên truyền để ngư dân tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

- Phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ, tuyên truyền để ngư dân tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Công điện này.

(Chinhphu.vn)

Tin khác

Nông - lâm - thủy sản 16 giờ trước
Với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD, ngành thủy sản đã về đích ấn tượng trong bối cảnh nhiều khó khăn của năm 2024. Dù vậy, ngành hàng này vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhất là mục tiêu tăng trưởng hai con số theo chiến lược phát triển đến năm 2030.
Nông - lâm - thủy sản 1 ngày trước
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 3,4 tỷ USD- động lực chính tăng trưởng xuất khẩu rau quả. Siết chặt quản lý là cách bảo vệ ngành hàng xuất khẩu tỷ đô này.
Nông - lâm - thủy sản 4 ngày trước
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết và tình hình khai thác hải sản của ngư dân trên các vùng biển...
Nông - lâm - thủy sản 6 ngày trước
Năm 2025 ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu tiếp tục lập mốc kỷ lục mới, tăng 15% so với 2024 lên khoảng 8 tỷ USD, trong đó, sầu riêng tiếp tục đóng vai trò là lực đẩy chính.
Nông - lâm - thủy sản 1 tuần trước
Trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc tăng 43% so với cùng kỳ năm 2023, Thái Lan tăng 82%, Hồng Kông - Trung Quốc tăng 16%, Nhật Bản 85%; riêng xuất sang Campuchia tăng 139 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 3 triệu USD.