Thứ ba, 06/05/2025
  • Click để copy

Chăn nuôi gia súc ở Mường Tè của Lai Châu đang giúp nông dân thoát nghèo, có nhà khá giả hẳn lên

07:19, 06/05/2025

Mường Tè (Lai Châu) - vùng đất biên cương với tiềm năng trù phú đang chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ nhờ chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Nghị quyết này đã mở ra hướng đi mới, khơi dậy sức mạnh nội tại, từng bước hiện thực hóa mục tiêu nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.

Mường Tè chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc tập trung

Với diện tích tự nhiên rộng lớn nhất tỉnh (gần 268.000ha) và độ che phủ rừng ấn tượng (hơn 68,4%), huyện Mường Tè sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc tập trung. Các xã: Tà Tổng, Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm, Bum Nưa... nổi lên như những "điểm vàng" trong phát triển chăn nuôi gia súc nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi. Với quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu thu nhập bình quân hơn 32 triệu đồng/người/năm vào năm 2025, huyện Mường Tè đã xác định phát triển chăn nuôi là một trong những mũi nhọn kinh tế quan trọng.

 Người dân Mường Tè ngày càng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc tập trung. (Ảnh: Gió Pư)

 Người dân Mường Tè ngày càng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc tập trung. (Ảnh: Gió Pư)

Ông Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, nhấn mạnh: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ, bám sát Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, khảo sát, quy hoạch vùng và xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc một cách bài bản. Chúng tôi cũng nỗ lực tối đa trong việc vận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các tổ chức đoàn thể để giúp người dân có con giống tốt, phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, kết hợp nuôi nhốt với trồng cỏ".

Chủ trương đúng đắn này đã nhanh chóng được các xã, thị trấn trong huyện hưởng ứng tích cực và mang lại những kết quả đáng khích lệ. Bum Nưa là một trong những xã đi đầu của huyện Mường Tè về phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

 Nhiều hộ dân ở Mường Tè có thu nhập ổn định từ chăn nuôi lợn. (Ảnh: Thanh Ngân)

 Nhiều hộ dân ở Mường Tè có thu nhập ổn định từ chăn nuôi lợn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, ông Trần Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Bum Nưa, cho biết: "Xác định chăn nuôi gia súc là trụ cột kinh tế, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết và giao UBND xã quy hoạch cụ thể các vùng chăn thả, trồng cỏ. Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân xây dựng chuồng trại kiên cố, tổ chức chăn nuôi theo nhóm hộ có liên kết với doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai hiệu quả, cùng với sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong việc thực hiện ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đã tạo điều kiện cho người dân có nguồn lực để phát triển đàn gia súc".

Đến nay, toàn xã Bum Nưa đã có gần 4.500 con gia súc, bao gồm 2 trang trại chăn nuôi lợn quy mô trên 1.000 con của các hợp tác xã, doanh nghiệp và 2 mô hình chăn nuôi bò sinh sản, với hơn 50 con giống tại các bản: Phiêng Kham, bản Bum... Nhờ đó, xã đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17% vào năm 2024.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Tè giảm rõ rệt

Gia đình ông Đao Văn Chức, ở bản Bum (Bum Nưa) là một trong những hộ điển hình về phát triển chăn nuôi gia súc tập trung. Nhờ mạnh dạn xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi gia súc, gia đình ông Chức không chỉ thoát nghèo, mà còn từng bước vươn lên làm giàu ở Bum Nưa.

 Tình trạng thả rông gia súc ở huyện Mường Tè giảm mạnh. (Ảnh: Thanh Ngân)

 Tình trạng thả rông gia súc ở huyện Mường Tè giảm mạnh. (Ảnh: Thanh Ngân)

Chia sẻ với Dân Việt, ông Chức không giấu nổi niềm vui: “Trước đây, gia đình tôi cứ quen với kiểu chăn thả tự nhiên, nên con bò, con lợn lớn chậm, thu nhập chẳng đáng là bao. Mấy năm nay, tôi quyết tâm thay đổi, dồn tiền xây chuồng trại chắc chắn, thông thoáng để nuôi nhốt gia súc và chủ động cho ăn uống đầy đủ, tiêm phòng dịch bệnh cẩn thận nên đàn gia súc sinh trưởng, phát triển tốt, chứ không hay bị dịch bệnh như trước. Hiện đàn bò sinh sản của gia đình tôi đã tăng lên 10 con. Thay đổi phương pháp chăn nuôi, thu nhập của gia đình tôi cũng được cải thiện đáng kể. Mỗi năm, gia đình tôi thu gần 100 triệu đồng từ bán bò thương phẩm và bò giống ra thị trường.

Không chỉ ở cấp xã, các phòng ban chuyên môn của huyện Mường Tè cũng vào cuộc một cách tích cực. Ông Lùng Văn Sáng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Tè cho biết: "Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn để rà soát, quy hoạch các khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả và vùng trồng cỏ. Theo định hướng, các xã: Vàng San, Mường Tè, Can Hồ, Bum Nưa thu hút đầu tư vào chăn nuôi lợn tập trung, còn các xã: Tà Tổng, Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm... thì tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc.

 Phát triển chăn nuôi gia súc, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mường Tè giảm rõ rệt. (Ảnh: Thanh Ngân)

 Phát triển chăn nuôi gia súc, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Mường Tè giảm rõ rệt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Bên cạnh đó, phòng cũng tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, giúp người dân thay đổi tập quán chăn thả tự do, nâng cao ý thức về phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc."

Những nỗ lực đồng bộ đã mang lại những con số ấn tượng. Theo thống kê, tổng đàn gia súc của huyện Mường Tè ước đạt 45.000 con, tăng khoảng 8.500 con so với năm 2020. Toàn huyện hiện có 4 cơ sở chăn nuôi lợn tập trung an toàn sinh học quy mô 1.000 con (đạt 200% chỉ tiêu nghị quyết) và 42 mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung theo nhóm hộ với khoảng 2.500 con.

Có thể thấy, chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc đã thực sự trở thành "cú hích" quan trọng, tạo ra nguồn lực to lớn giúp người dân Mường Tè phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thu nhập bình quân của huyện đã đạt trên 32 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm mạnh từ 57,23% (năm 2022) xuống còn 27,75% (năm 2024). Với mức giảm bình quân ấn tượng 7,37%/năm - hoàn toàn đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Những thành quả này không chỉ nâng cao đời sống vật chất, mà còn mang lại niềm tin và động lực mới cho người dân vùng biên giới Mường Tè trên con đường xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Tin khác

Nông thôn mới 1 tuần trước
Chị Đỗ Thị Dinh, chủ nông trại Rau thủy canh Thành Tâm xã Lộc An, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đang làm giàu nhờ mô hình trồng rau công nghệ cao.
Nông thôn mới 1 tuần trước
Từ nguồn vốn ưu đãi, những mô hình sinh kế hiệu quả đến các chính sách an sinh thiết thực, TP.Long Khánh (Đồng Nai) đang hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững.
Nông thôn mới 2 tuần trước
Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Nông thôn mới 2 tuần trước
Chiều 17/4, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức “Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả Đoàn Thanh niên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đề xuất giai đoạn 2026-2030”.
Nông thôn mới 2 tuần trước
Sáng ngày 20/3, Hội đồng xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc họp xét công nhận các xã đạt chuẩn.