Thứ hai, 07/07/2025
  • Click để copy

Chốt thời hạn trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 24, bỏ độc quyền vàng miếng

07:38, 07/07/2025

Nghị định sửa đổi về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sẽ được trình Chính phủ trước 15.7, dự thảo đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng.

Mua-Vang-Mieng-Sjc

Dự thảo Nghị định 24 sẽ bỏ độc quyền Nhà nước về sản xuất vàng miếng. Ảnh: TTXVN

Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tại Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6.7.2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15.7.2025.

Được ban hành từ năm 2012, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ áp dụng, việc sửa đổi Nghị định 24 đã trở nên cấp thiết để phù hợp với thực tiễn nhằm khắc phục một số bất cập về thị trường, chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới cũng như thúc đẩy tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh tại thị trường vàng.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 để đưa ra những định hướng quản lý thị trường vàng trong tình hình mới.

Đặc biệt, ngay sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có những chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.

Dự thảo nhằm cập nhật khái niệm, mở rộng phạm vi điều chỉnh, siết điều kiện cấp phép và tăng cường giám sát các hoạt động liên quan đến vàng miếng, vàng nguyên liệu và vàng trang sức mỹ nghệ.

Phạm vi điều chỉnh được bổ sung hoạt động sản xuất vàng miếng do sẽ xóa bỏ việc độc quyền Nhà nước về sản xuất vàng miếng.

Theo đó phạm vi điều chỉnh bao gồm: sản xuất, gia công, kinh doanh vàng trang sức - mỹ nghệ; sản xuất, mua bán vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng; các hoạt động kinh doanh vàng khác như giao dịch vàng tài khoản và phái sinh vàng.

Khái niệm vàng miếng cũng được định nghĩa rõ hơn là sản phẩm vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số thể hiện khối lượng, chất lượng, ký mã hiệu của doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất, bao gồm cả vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp tổ chức sản xuất.

Dự thảo bổ sung Điều 11a, quy định điều kiện chặt chẽ để được cấp phép sản xuất vàng miếng.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh vàng miếng, vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỉ đồng, không đang bị xử phạt hành chính (hoặc đã khắc phục hậu quả), có quy trình sản xuất nội bộ rõ ràng.

Đối với tổ chức tín dụng, ngoài giấy phép kinh doanh vàng miếng, yêu cầu vốn điều lệ từ 50.000 tỉ đồng trở lên và đáp ứng các điều kiện tương tự doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định cụ thể về thủ tục, hồ sơ cấp phép sản xuất vàng miếng.

Dự thảo đề xuất Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng để xác định hạn mức nhập khẩu hàng năm, đồng thời cấp phép từng lần cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được phép sản xuất vàng miếng.

Dự thảo quy định mọi giao dịch mua bán vàng từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, nhằm tăng cường minh bạch và kiểm soát dòng tiền. 

theolaodong.vn

Tin khác

Doanh nghiệp 1 ngày trước
(CLO) Những chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 198/2024/QH15 của Quốc hội đã bước đầu phát huy hiệu quả, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phục hồi mạnh mẽ.
Doanh nghiệp 1 ngày trước
Mới đây, Tập đoàn T&T Group và doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã có buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh nhằm đề xuất loạt giải pháp hợp tác đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Doanh nghiệp 3 ngày trước
Theo thông tin từ Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), trong tháng 6-2025, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cao kỷ lục, đạt 24.422 doanh nghiệp, gấp hơn 2 lần giai đoạn 2021 - 2024.
Doanh nghiệp 4 ngày trước
Phó Thủ tướng lưu ý việc xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp ngành môi trường.
Doanh nghiệp 5 ngày trước
Tổng công ty Điện lực miền Bắc hoàn tất việc sắp xếp tổ chức, số lượng công ty điện lực trực thuộc từ 27 xuống còn 17 đơn vị. Cùng với đó, 263 “Đội quản lý điện lực khu vực” đồng loạt hoạt động từ 1/7.