Dịch bệnh khiến người nuôi tôm công nghiệp gặp khó
Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết thất thường, điều này khiến môi trường nước trong ao nuôi không ổn định, dẫn tới việc tôm dễ bị nhiễm bệnh. Người nuôi tôm đang gặp không ít khó khăn.
Gần đây, một số hộ nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau than rằng, vào mùa mưa thời tiết thất thường khiến việc nuôi tôm công nghiệp của bà con gặp khó, nhất là bị bệnh. Theo người nuôi có kinh nghiệm, các bệnh thường gặp trên tôm công nghiệp hiện nay chủ yếu là bệnh phân trắng, ký sinh trùng enterocytozoon hepatopenaei (EHP)... Nếu chẳng may ao tôm bị nhiễm bệnh thì người nuôi sẽ chịu thua lỗ.
Mỗi lần nhắc đến chuyện nuôi tôm công nghiệp là anh Nguyễn Quốc Tế (huyện Ngọc Hiển) cảm thấy ngao ngán, bởi hơn 1 năm trở lại đây, các vụ nuôi tôm của anh Tế đều không mang lại hiệu quả. Nguyên nhân là giá tôm bấp bênh, trong khi các mặt hàng vật tư, thiết bị phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp lại tăng cao. Cùng với đó, ảnh hưởng của thời tiết làm cho tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh.
“Hơn một năm nay, tôi nuôi tôm không có lãi, may lắm là hoàn vốn. Một mặt là giá tôm xuống thấp so với thời điểm trước dịch COVID-19, mặt khác, các mặt hàng phục vụ cho việc nuôi tôm như thuốc, thức ăn, trang thiết bị… đều tăng làm cho người nuôi không có lãi. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi tôm, người nuôi còn phải đối mặt với dịch bệnh, chỉ đến khi thu hoạch thì mới hết lo lắng”, anh Tế chia sẻ.
Gắn bó với nghề nuôi tôm công nghiệp đã nhiều năm, anh Tế gần như nắm rất rõ quy luật sinh trưởng, phát triển của con tôm. Với vốn kinh nghiệm sẵn có, tưởng chừng như những rủi ro sẽ không làm khó anh Tế. Tuy nhiên, theo anh chia sẻ, để vụ nuôi thành công chỉ 50% là yếu tố kinh nghiệm, kỹ thuật, 50% còn lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường, thời tiết, dịch bệnh...
Chia sẻ về các bệnh phổ biến trên tôm, anh Tế cho hay: "Bệnh trên tôm thì rất nhiều, giờ đủ thứ bệnh, nhưng thường gặp nhất chủ yếu là bệnh phân trắng và ký sinh trùng EHP. Đó là 2 bệnh phổ biến nhất hiện nay, nguyên nhân gây bệnh là do ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và nguồn nước ẩn chứa dịch bệnh".
Theo anh Tế, khi tôm bị nhiễm 2 bệnh này, 90% là lỗ nặng, 10% còn lại là hoàn vốn. Người nuôi tôm công nghiệp gần như không thu được lợi nhuận khi tôm nuôi nhiễm bệnh. “Nếu tôm nuôi mắc bệnh thì không cứu được đâu, khéo thì may ra huề vốn, còn không thì lỗ vài trăm triệu mỗi ao nuôi. Không có một chuẩn nào để làm thước đo cho việc phòng ngừa hết”, anh Tế chia sẻ thêm.
Theo anh Tế, trong năm 2024 này, anh điêu đứng vì dịch bệnh trên tôm nuôi. Cứ thả giống là bị bệnh EHP, phân trắng, toàn lỗ và hòa vốn nên hiện rất khó khăn. "Thời tiết bây giờ thất thường, vùng này gần biển mưa nhiều nên tôm nuôi rất dễ bị nhiễm bệnh do giảm sức đề kháng. Đồng thời, vi khuẩn gây bệnh giờ tiến hóa nhanh, người nuôi sử dụng thuốc được một thời gian ngắn là nó kháng thuốc.
Do đó, người nuôi tôm chỉ cố gắng chăm sóc tốt nhất có thể, chứ chẳng có cách ngăn ngừa nào là tuyệt đối. Không phải mình có kỹ thuật, trang thiết bị tốt là nuôi đạt 100% mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Giờ mà ai kêu tôi mở rộng khu vực nuôi thì tôi từ chối liền, nuôi tôm giờ nhiều rủi ro lắm”, anh Tế trải lòng.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Ngọc Hiển cho hay: "Thời gian gần đây, tôm công nghiệp ở địa phương hay bị bệnh phân trắng và ký sinh trùng đường ruột EHP. Dấu hiệu nhận biết bệnh là phân tôm có màu trắng, dính vào đuôi tôm hoặc trôi lơ lửng trong nước. Nếu mắc phải bệnh này, thì chỉ kéo dài thời gian chứ không chữa trị khỏi bệnh được. Nó không chết hàng loạt mà lâu ngày con tôm sẽ bị teo cơ thể. Tôm mắc bệnh sống 3 - 4 tháng là bình thường, nhưng mỗi ngày sẽ bị hao hụt số lượng".
Theo anh Tuấn, dịch bệnh ảnh hưởng do yếu tố môi trường hình thành ký sinh trùng trong nước. Mặc dù người nuôi chủ động phòng ngừa nhưng hiệu quả không cao. "Nếu tôm mắc bệnh phân trắng, người nuôi sẽ bị thua lỗ nhưng ở mức thấp", anh Tuấn cho biết thêm.
Nói về các bệnh thường gặp trên tôm nuôi, kỹ sư Đinh Hải Đăng chuyên ngành nuôi trồng thủy sản hiện đang công tác tại tỉnh Cà Mau cho hay, những bệnh thường gặp ở tôm nuôi công nghiệp là bệnh phân trắng, hoại tử gan, khuẩn đường ruột, nấm, hội chứng chết sớm, đốm đen... và mới nhất là bệnh thủy tinh thể.
Theo anh Đăng, để phòng ngừa, người nuôi nên xử lý tốt môi trường nước, đáy ao, thả giống với mật độ vừa phải. “Vấn đề con giống rất quan trọng. Để vụ nuôi đạt kết quả cao, người nuôi nên chọn những nơi cung cấp con giống có uy tín, con giống phải khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt. Đặc biệt, môi trường nuôi phải được xử lý tốt, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đáy ao sạch sẽ”, kỹ sư Đăng nói.
Nguồn:1thegioi.vn