Hà Nội chốt hạn mức hỗ trợ chi phí start-up công nghệ sáng tạo
Chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành phố Hà Nội phê duyệt nhằm kích hoạt động lực tăng trưởng giai đoạn 2026–2030.
Xu hướng chuyển dịch hoạt động
Theo đó, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội (HĐND) vừa chính thức thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2026 – 2030.
Đây được coi là một bước đi chiến lược, tiếp nối các chính sách hỗ trợ hiệu quả trước đó, nhằm tạo ra cú hích mới cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Hà Nội đặt mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao của khu vực.
Theo thống kê từ Sở KH&ĐT Hà Nội (nay là Sở Tài chính), trung bình mỗi năm giai đoạn 2019–2024, Thủ đô ghi nhận khoảng 28.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng tăng, chiếm tới hơn 15% trong năm 2024.
Điều này phản ánh xu hướng chuyển dịch trong cơ cấu nền kinh tế, từ những ngành sản xuất truyền thống sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, khoa học vật liệu, và nền kinh tế xanh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách cũng bộc lộ một số điểm nghẽn: quy mô hỗ trợ chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, thiếu cơ chế liên ngành trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và đặc biệt là chưa có các công cụ tài chính đủ mạnh để hỗ trợ dài hạn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Do đó, việc ban hành một Nghị quyết mới mang tính đột phá, sát thực tiễn, là điều được mong chờ để duy trì động lực phát triển trong giai đoạn tới.

Lượng hoá cơ chế đặc thù doanh nghiệp khởi nghiệp
Nghị quyết của HĐND Thành phố Hà Nội ban hành lần này tập trung vào ba nhóm đối tượng trọng tâm, bao gồm: DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và công nghiệp công nghệ số; DNNVV khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; và đội ngũ tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhận được những chính sách ưu đãi vượt trội.
Cụ thể, các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ tới 50% chi phí thuê trang thiết bị tại các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, với mức tối đa không quá 50 triệu đồng mỗi năm.
Đồng thời, Thành phố sẽ hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng thuê mặt bằng nhưng không vượt quá 10 triệu đồng mỗi tháng, tạo điều kiện để doanh nghiệp trẻ ổn định địa điểm hoạt động trong giai đoạn đầu tiên — giai đoạn được xem là "sinh tử" với khởi nghiệp công nghệ.
Bên cạnh đó, một điểm nhấn khác là chính sách hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Mỗi học viên thuộc doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tới 70% chi phí tham gia khóa huấn luyện ngắn hạn ở nước ngoài liên quan đến đổi mới sáng tạo, AI và công nghệ cao — mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng mỗi học viên mỗi năm.
Loại chi phí hỗ trợTỷ lệ hỗ trợTối đaThuê trang thiết bị50%50 triệu đồng/nămThuê mặt bằng50%10 triệu đồng/thángĐào tạo ngắn hạn nước ngoài70%100 triệu đồng/năm
Nhóm chính sách này được xây dựng nhằm cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị đã nêu tại Nghị quyết số 57/NQ-TW ngày 22/12/2024, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc "có chính sách đủ mạnh để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".
Theo khẳng định của Sở Tài chính Hà Nội, đơn vị chủ trì xây dựng nội dung Nghị quyết, toàn bộ chính sách ưu đãi trong Nghị quyết đều được thiết kế trên cơ sở tổng kết thực tiễn 5 năm triển khai chính sách giai đoạn trước.
Việc lượng hóa mức chi hỗ trợ cho từng nội dung giúp giảm tình trạng hỗ trợ dàn trải, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch tài chính minh bạch và chủ động khi nhận được ưu đãi.
Dự kiến, trong tháng 9 năm 2025, Sở Tài chính sẽ trình UBND Thành phố ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2026–2030. Đề án sẽ bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính với khoảng 80 nội dung hỗ trợ cụ thể, từ công nghệ, thuế, kế toán, mặt bằng sản xuất đến chuyển đổi số và xúc tiến thương mại.
Nghiên cứu bổ sung công cụ hỗ trợ tài chính
Song song với việc ban hành chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, các sở ngành Thành phố cũng đang ráo riết xây dựng các dự thảo Nghị quyết chiến lược. Trong đó, dự kiến triển khai “Quỹ đầu tư mạo hiểm Thành phố”, và “Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hà Nội”. Ngoài ra, Thành phố cũng dự định tiến hành cải tổ “Sàn Giao dịch công nghệ Thành phố” để nâng hiệu quả hoạt động.
Những công cụ này được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa các quy định ưu đãi trong Luật Thủ đô sửa đổi, mở rộng không gian hoạt động cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo dựng hệ sinh thái công nghệ chất lượng cao tại Hà Nội. Các tổ chức như Trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò như đầu mối tư vấn, kết nối vốn, nhân lực, thị trường cho các doanh nghiệp — điều từng được xem là thiếu hụt lớn trong giai đoạn 2019–2025.
Các nhà đầu tư công nghệ quốc tế hiện cũng đang theo sát quá trình chuyển đổi này. Việc Hà Nội chủ động thiết kế các công cụ tài chính và hạ tầng mềm dành riêng cho đổi mới sáng tạo không chỉ giúp giữ chân doanh nghiệp trong nước, mà còn tạo ra "điểm hút" với các start-up nước ngoài đang tìm kiếm môi trường tăng trưởng tại Đông Nam Á.
theodanviet.vn