Thứ sáu, 27/12/2024
  • Click để copy

Hà Nội dự kiến còn 18 sở và cơ quan tương đương sau tinh gọn bộ máy

14:50, 25/12/2024

Thực hiện theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Hà Nội dự kiến sẽ còn 18 sở và cơ quan tương đương.

Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Ban chỉ đạo thành phố tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy với các sở, cơ quan tương đương và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố.

Theo báo cáo, UBND Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và tương đương, gồm: Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Du lịch; Sở Ngoại vụ; Trung tâm Phục vụ hành chính công.

 Hà Nội dự kiến sau sắp xếp sẽ còn 18 sở và cơ quan tương đương.

 Hà Nội dự kiến sau sắp xếp sẽ còn 18 sở và cơ quan tương đương.

Các đơn vị hợp nhất gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, dự kiến tên gọi mới là Sở Kinh tế - Tài chính với chức năng quản lý Nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến đổi tên thành Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ, dự kiến đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ, dự kiến đổi tên thành Sở Nội vụ và Lao động. Chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Ban Dân tộc trực thuộc UBND thành phố về Sở Nội vụ.

Sở Y tế dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc thành Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố.

Đồng thời, Hà Nội đề xuất giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan.

Thực hiện theo phương án nêu trên, Hà Nội dự kiến sau sắp xếp sẽ còn 18 sở và cơ quan tương đương sở theo đúng chỉ đạo định hướng tại văn bản ngày 18/12 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ.

2 phương án sắp xếp cơ quan báo chí

Đối với các cơ quan báo chí khối chính quyền, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1 là tiếp tục duy trì 2 cơ quan báo chí trực thuộc UBND thành phố, gồm Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội và báo Kinh tế - Đô thị.

Phương án 2 là thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của trung ương (sáp nhập báo Kinh tế - Đô thị với báo Hà Nội mới).

 

Nguồn:baogiaothong

Tin khác

Tin tức 16 giờ trước
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang 47 tuổi, quê quán huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, có trình độ học vấn là tiến sĩ kinh tế.
Tin tức 16 giờ trước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1651/QĐ-TTg ngày 26/12/2024 giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021-2026.
Tin tức 16 giờ trước
Tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 do UBND TP.HCM tổ chức sáng 26.12, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Quốc Thuận đã thông tin về công tác sắp xếp bộ máy tại TP.HCM.
Tin tức 22 giờ trước
Các đại biểu đã bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật với 4 tổ chức, 12 cán bộ thuộc các đơn vị Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đưa ra xem xét, đề nghị kỷ luật.
Tin tức 1 ngày trước
Thực hiện theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Hà Nội dự kiến sẽ còn 18 sở và cơ quan tương đương.