Thứ sáu, 17/01/2025
  • Click để copy

Hải Phòng đã có 287 sản phẩm OCOP, toàn đặc sản từ trên rừng xuống biển

13:03, 17/01/2025

Chương trình OCOP ở Hải Phòng đã được chính quyền và 217 xã, phường, thị trấn hưởng ứng tích cực, trở thành động lực phát triển bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và từng bước bảo tồn giá trị văn hóa địa phương một cách bền vững.

Số lượng sản phẩm OCOP Hải Phòng tiếp tục tăng

Tính đến cuối năm 2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp thành phố Hải Phòng đã đánh giá 292 sản phẩm, cấp giấy chứng nhận cho 287 sản phẩm (trong đó có 87 sản phẩm 4 sao, 200 sản phẩm 3 sao). 100% sản phẩm OCOP được gắn tem truy xuất nguồn gốc (mã QR Code), mã vạch.

Việc phân hạng sản phẩm OCOP đã tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng, hoàn thiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây không chỉ là cơ hội phát huy tiềm năng của các sản phẩm địa phương, mà còn là thử thách đòi hỏi sự đổi mới tư duy sản xuất của người dân và các cơ quan chức năng, nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Các sản phẩm từ trà xanh Núi Ngọc, mật ong Tùng Hằng đến gạo hữu cơ Kiến Quốc, nước mắm Cát Hải, na Liên Khê, rượu nếp cái hoa vàng, gốm Phù Điêu và nhiều nông sản khác như bánh đa, đông trùng hạ thảo, tương ớt, ổi Vĩnh Bảo, táo Bàng La,... đã vượt ra khỏi phạm vi Hải Phòng, chinh phục thị trường toàn quốc, thậm chí là quốc tế.

 Sản phẩm mật ong rừng ngập mặn của HTX Mật ong Tùng Hằng. Ảnh: PV.

 Sản phẩm mật ong rừng ngập mặn của HTX Mật ong Tùng Hằng. Ảnh: PV.

Anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc HTX mật ong rừng ngập mặn Tùng Hằng cho biết: Trước đây, sản phẩm chỉ bán lẻ tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm đã vươn ra thị trường rộng lớn, phủ sóng nhiều tỉnh thành. Chương trình OCOP đã mở ra một hướng đi mới, giúp sản phẩm của HTX không những được người dân địa phương yêu thích mà còn lan tỏa khắp nhiều tỉnh thành trong cả nước.

"Trước đây, chúng tôi kinh doanh thông qua những mối hàng quen biết truyền thống, việc bán hàng chậm và không được nhiều. Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, được hỗ trợ đưa lên sản thương mại điện tử, hàng trăm lít mật ong được bán là những khách hàng mới, từ khắp mọi nơi. Tôi cảm nhận sự thay đổi rõ nét hiệu quả của chương trình OCOP", anh Tùng khẳng định.

Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo chất lượng, mẫu mã và an toàn thực phẩm là đòi hỏi khắt khe của sản phẩm OCOP nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau khi được công nhận và gắn sao OCOP, sản phẩm dễ dàng tiêu thụ trong tỉnh, trên toàn quốc và có cơ hội xuất khẩu.

 Sản phẩm chả cá chày Đại Hợp được đóng gói, hút chân không, dán tem mác sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Ảnh: PV.

 Sản phẩm chả cá chày Đại Hợp được đóng gói, hút chân không, dán tem mác sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Ảnh: PV.

Tiêu biểu như sản phẩm chả cá chày Đại Hợp đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Chả cá chày Đại Hợp – đặc sản của xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng" theo Quyết định số 85787/QĐ-SHTT ngày 1 tháng 10 năm 2019 của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đây là sản phẩm đặc trưng từ biển, được chế biến bằng phương pháp truyền thống. Nguyên liệu bao gồm 90% là thịt cá chày và mực được đánh bắt từ biển, 10% là các loại gia vị hành khô, tiêu, nước mắm chắt, ớt, không sử dụng chất phụ gia trong quá trình sản xuất.

Tất cả các cơ sở chế biến chả cá chày đều có nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Sản phẩm chả cá chày được nhiều tỉnh, thành trong cả nước biết đến. Các thành viên trong tổ nghề sản xuất chả cá chày đã nhanh nhạy áp dụng công nghệ số; lập fanpage quảng bá, bán hàng trên mạng. Nhờ đó, sản phẩm chả cá chày cũng khẳng định được chỗ đứng vững vàng trên thị trường cả nước, việc tiêu thụ khá thuận lợi, giá cả ổn định hơn trước.

Năm 2023, hộ kinh doanh Đặng Thị Tuyến được UBND huyện Kiến Thụy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế nông nghiệp

Theo đánh giá của Phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng), thời gian qua, chương trình OCOP đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng trong tái cấu trúc nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Chương trình OCOP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra sự chuyển mình toàn diện trong sản xuất nông thôn Hải Phòng. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường rộng mở đã giúp người dân tích lũy kinh nghiệm quý báu trong sản xuất và kinh doanh.

 Sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty TNHH Song Hải tham gia hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: PV.

 Sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty TNHH Song Hải tham gia hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: PV.

Để đạt được hiệu quả trên, thành phố Hải Phòng đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy kinh tế số và nâng cao vị thế thương hiệu sản phẩm địa phương. Việc cấp mã số truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì nhãn mác, cùng với chứng nhận OCOP, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Riêng Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hải Phòng, hàng năm đã phối hợp các đơn vị liên quan tích cực lồng ghép chương trình OCOP vào kế hoạch phát triển nông nghiệp, đảm bảo tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ thiết thực dành cho các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình đã trở thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng sản xuất.

 Sản phẩm nước mắm Hương Biển được công nhận sản phẩm OCOP 3 và 4 sao, năm 2021. Ảnh: PV.

 Sản phẩm nước mắm Hương Biển được công nhận sản phẩm OCOP 3 và 4 sao, năm 2021. Ảnh: PV.

Cũng theo nhận định của Phòng Phát triển nông thôn, tiềm năng và chất lượng sản phẩm OCOP của thành phố Hải Phòng không hề thua kém các địa phương khác. Để phát huy tối đa tiềm năng này, việc xây dựng hệ thống phân phối và quảng bá sản phẩm cần được chú trọng, kết hợp với đổi mới phương thức truyền thông, tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan.

Ông Tăng Xuân Thọ - Trưởng phòng Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT Hải Phòng) cho biết, để chương trình OCOP đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng hỗ trợ xúc tiến thương mại. Việc này bao gồm tăng cường truyền thông đa kênh, mở rộng thị trường tiêu thụ và quảng bá sản phẩm OCOP hiệu quả trên phạm vi toàn thành phố cũng như cả nước. Sự đầu tư này sẽ góp phần tạo đà phát triển bền vững cho chương trình OCOP, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, khẳng định vị thế của nông nghiệp Hải Phòng trên bản đồ kinh tế quốc gia.

"OCOP không chỉ là chương trình kinh tế mà còn là bảo tồn và phát triển văn hóa. Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng đã kết nối các chủ thể sản xuất với sàn thương mại điện tử, nâng cao thu nhập cho nông dân. Để OCOP phát triển bền vững, cần rà soát, khuyến khích người dân tham gia, bảo đảm bản sắc văn hóa và chất lượng sản phẩm. Chương trình sẽ chú trọng phát triển hợp tác xã để nâng cao hiệu quả, cải thiện đời sống và bảo tồn văn hóa truyền thống Hải Phòng" - ông Thọ cho biết thêm.

Nguồn:danviet.vn

Tin khác

Sản phẩm 1 tuần trước
Phiên chợ OCOP An Giang sẽ hoạt động từ ngày 9 - 12.1.2025, tại phố đi bộ Hai Bà Trưng, phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên.
Sản phẩm 1 tuần trước
Riêng đối với làng nghề La Phù, lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát mang tính tổng thể, phải công bố công khai các vi phạm.
Sản phẩm 1 tuần trước
Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Sản phẩm 1 tuần trước
Để nâng cao giá trị nông sản, thời gian qua, huyện Thạch Thất tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tổ chức hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Sản phẩm 2 tuần trước
Sự kiện kích cầu du lịch cuối năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh thu hút sự tham gia của 130 đơn vị đến từ 32 tỉnh, thành phố trên cả nước với 200 gian hàng trưng bày, giới thiệu ẩm thực và các sản vật, đặc sản truyền thống của các địa phương.