Thứ tư, 16/04/2025
  • Click để copy

Lễ hội Chôl Thnăm Thmây mừng năm mới của người Khmer ở An Giang

16:46, 16/04/2025

Chôl Thnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. “Chôl” nghĩa là “vào” và “Chnăm Thmây” là “năm mới”. Tết thường diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch với nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian.

Hàng ngàn người tham gia vui tết

Trong những ngày diễn ra lễ hội, trên các tuyến đường ở Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và các ngôi chùa được trang hoàng lộng lẫy. Đặc biệt, tại các phum sóc của người dân tộc Khmer cũng rợp sắc màu để đón mừng năm mới.

 Hàng ngàn người tham gia lễ hội Chôl Thnăm Thmây - Ảnh: Lâm Tây

 Hàng ngàn người tham gia lễ hội Chôl Thnăm Thmây - Ảnh: Lâm Tây

Theo phong tục của người dân tộc Khmer, trong những ngày trước tết, người dân phải dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị quà mừng bố mẹ, ông bà; sắm sửa đồ đạc mới cũng như chuẩn bị lễ vật để lên chùa hành lễ.

 Ngoài những nghi lễ truyền thống, nhiều người dân tộc Khmer còn tới các điểm tham quan, vui chơi do chính quyền các địa phương tổ chức - Ảnh: Lâm Tây

 Ngoài những nghi lễ truyền thống, nhiều người dân tộc Khmer còn tới các điểm tham quan, vui chơi do chính quyền các địa phương tổ chức - Ảnh: Lâm Tây

Trong tâm thức của đại bộ phận người dân tộc Khmer, ngôi chùa được xem là trung tâm văn hóa nên họ thường lên chùa để thực hiện các nghi lễ đầu năm với mong muốn đón một năm mới an lành và hạnh phúc. Ngoài những nghi lễ truyền thống, nhiều người dân tộc Khmer tới các điểm tham quan, vui chơi; tham gia các trò chơi dân gian, nhảy múa, ca hát cổ truyền.

 Một bạn trẻ đang tham gia trò chơi 'té nước' - Ảnh: Lâm Tây

 Một bạn trẻ đang tham gia trò chơi "té nước" - Ảnh: Lâm Tây

 Ông Huỳnh Bá Phúc (46 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho rằng Tết Chol Thnam Thmay mà chưa tham gia lễ hội “té nước”, “chọi bột” là chưa phải đi chơi tết

 Ông Huỳnh Bá Phúc (46 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho rằng Tết Chol Thnam Thmay mà chưa tham gia lễ hội “té nước”, “chọi bột” là chưa phải đi chơi tết

 Gương mặt hai bạn nữ dính đầy bột - Ảnh: Lâm Tây

 Gương mặt hai bạn nữ dính đầy bột - Ảnh: Lâm Tây

Đắp núi cát - nét đẹp văn hóa của tết Chôl Chnăm Thmây

Theo phong tục lễ hội Chôl Chnăm Thmây, ngày đầu tiên của tết (14.4) là lễ rước Đại lịch và ngày thứ ba (16.4) là lễ tắm Phật, tắm sư, riêng ngày thứ hai (15.4) với nghi lễ dâng cơm và đắp núi cát để tìm phúc duyên là tưng bừng hơn cả. Vào ngày lễ thứ hai này, buổi sáng, các gia đình phật tử làm lễ dâng cơm cho các sư sãi. Tục này gọi là lễ “đặt bát”.

Sau khi thọ thực, các nhà sư đáp lại bằng lễ tạ ơn cho những người làm ra hạt thóc, cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói chưa được siêu thăng. Tiếp theo là các sư làm lễ chúc phúc cho các phật tử. Buổi chiều, bà con tập trung làm lễ đắp núi cát gọi là Anisong Pun-phnom-khsach, nghĩa là phúc duyên đắp núi cát.

 Lễ đắp núi cát - Ảnh: Bá Phúc

 Lễ đắp núi cát - Ảnh: Bá Phúc

 Những núi cát đã hoàn thành - Ảnh: Bá Phúc

 Những núi cát đã hoàn thành - Ảnh: Bá Phúc

Tại lễ Anisong Pun-phnom-khsach, các chùa sử dụng vài khối cát đổ thành đống cách chùa khoảng 500m. Khi đến giờ thực hành nghi lễ, mọi người kéo đến ngồi xung quanh đống cát thắp nhang, đọc kinh theo sự hướng dẫn của người chủ lễ. Sau khi xong các bài kinh, mỗi người tìm cho mình một ít cát sạch đem về chùa. Dưới sự chỉ dẫn của vị À Cha, mọi người cùng đi diễu hành quanh ngôi chánh điện ba vòng theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Sau đó, những người tham gia nghi lễ sẽ đổ cát vào một nơi đã chuẩn bị sẵn để đắp núi. Thông thường núi cát được đắp thành 8 ngọn núi nhỏ ở 8 hướng và một ngọn lớn ở chính giữa. Núi cát tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ 9 ở giữa là trung tâm của thế giới. Cũng có nơi đắp 4, 5 hoặc 7 ngọn núi, tùy theo phong tục hoặc thói quen truyền đời của nơi đó. Tiếp theo phần đắp núi là phần trang trí và làm lễ quy y cho núi. Đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể.

Đắp núi cát - nét đẹp Tết Chôl Chnăm Thmây - Clip: Bá Phúc

Anh Chau Quên (ngụ xã Tân Lợi, thị xã Tịnh Biên) chia sẻ: “Tôi tham gia lễ vào chiều ngày thứ hai của tết để thể hiện lòng thành của mình. Mỗi hạt cát đắp lên thành núi sẽ giải thoát được cho một người có tội ở thế gian. Vì thế, tôi tham gia đắp núi cát với mong muốn tạo phước lành”, anh Chau Quên bộc bạch.

Chính quyền chăm lo tết Chôl Chnăm Thmây cho người dân

Vào dịp tết năm nay, ông Chau Sa (ngụ huyện Tri Tôn, thuộc diện gia đình khó khăn) phấn khởi chia sẻ, tết này thật ý nghĩa khi gia đình ông được đón năm mới trong căn nhà khang trang vừa xây xong nhờ sự hỗ trợ từ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

“Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, gia đình đã có căn nhà kiên cố. Tết Chôl Chnăm Thmây năm nay có thể nói là cái tết vui nhất của tôi từ trước đến giờ”, ông Chau Sa xúc động nói.

 Lãnh đạo tỉnh An Giang chúc Tết và tặng quà cho bà con dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên - Ảnh: T.T

 Lãnh đạo tỉnh An Giang chúc Tết và tặng quà cho bà con dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên - Ảnh: T.T

Nói về công tác chăm lo tết và đời sống đồng bào Khmer tại địa phương, ông Nguyễn Văn Bé Tám, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn thông tin, huyện Tri Tôn hiện có 32,84% dân số là đồng bào dân tộc, với 37 cơ sở thờ tự theo Nam Tông Khmer. Do đó, địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần cho bà con.

“Vào dịp tết Chol Chnam Thmay hằng năm, cùng với hệ thống chính trị địa phương, UBND huyện luôn tổ chức thăm hỏi, động viên các chùa và tạo sân chơi bổ ích cho bà con Khmer. Đồng thời, cũng kết hợp nhiều nguồn lực để hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ mua sắm máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề khác giúp bà con cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững”, ông Tám nhấn mạnh.

Còn tại thị xã Tịnh Biên, công tác chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc Khmer cũng được quan tâm đặc biệt. Trong đó, nổi bật là kết quả tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn thị xã...

Tin khác

Văn hóa doanh nghiệp 19 giờ trước
Ngày 15/4/2025, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã tổ chức lễ trao Giải Báo chí về Bảo hiểm năm 2024 và phát động Giải Báo chí về Bảo hiểm năm 2025. Sự kiện đánh dấu thêm một năm nữa thành công của giải với sự tham gia và chất lượng vượt trội của các tác phẩm báo chí về lĩnh vực bảo hiểm.
Văn hóa doanh nghiệp 1 ngày trước
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT-DL tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc trên cả nước.
Văn hóa doanh nghiệp 3 ngày trước
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa, theo Quyết định số 1000 do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký.
Văn hóa doanh nghiệp 4 ngày trước
Nếu không được kiểm soát và có quy chuẩn cụ thể, sự phát triển nóng của các KOL, KOC, reviewer hay livestreamer trên mạng xã hội sẽ kéo theo những mặt trái đáng lo ngại trong việc định hướng hành vi tiêu dùng.
Văn hóa doanh nghiệp 5 ngày trước
Tại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngoài các cơ quan thông thông tấn, báo chí trong nước còn có đến 180 cơ quan thông tấn quốc tế đăng ký tham gia tác nghiệp.