Thứ năm, 03/07/2025
  • Click để copy

Long An đột phá ứng dụng công nghệ cao phát triển 4 cây, 2 con

08:36, 03/07/2025

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An (cũ) lần thứ X, XI đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển 4 cây: lúa, chanh, thanh long, rau, và 2 con: bò, tôm.

Vụ đông xuân 2023-2024, huyện Tân Hưng thực hiện mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa tại HTX Nông nghiệp Hòa Phát (xã Vĩnh Châu B) với diện tích 120ha. Nông dân khi tham gia mô hình được tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác, được hỗ trợ giống, phân hữu cơ vi sinh, chi phí sạ hàng và được HTX bao tiêu đầu ra. Từ thực tế triển khai, nhiều nông dân nhận thấy mô hình này tiết kiệm chi phí, năng suất lúa đạt 8-8,5 tấn/ha (lúa tươi), cao hơn ngoài mô hình 1-1,5 tấn/ha, qua đó giúp nông dân tăng lợi nhuận thu được. Không chỉ vậy, sản xuất lúa ƯDCNC còn giảm ô nhiễm môi trường, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và thích ứng với biển đổi khí hậu.

Tại huyện Thạnh Hóa (cũ), đến nay, việc ƯDCNC trên cây lúa đã được huyện triển khai hơn 3.662ha, đạt 103% chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025. Theo Trưởng phòng NNPTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, để triển khai, thực hiện ƯDCNC trên cây lúa mang lại hiệu quả, thời gian qua, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người dân. Ngoài ra, huyện còn đầu tư nhiều công trình nạo vét kênh, mương, phát triển hệ thống bơm điện, xây dựng đê bao, chú trọng liên kết sản xuất... So với trước khi tham gia mô hình thuộc vùng đề án, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng giống xác nhận để gieo sạ, qua đó giúp giảm mật độ gieo sạ 10 - 30kg/ha. Nông dân đã ứng dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh qua đó giúp giảm lượng phân hóa học 10-30%.

 Cây chanh được Long An ưu tiên phát triển. Ảnh QD

 Cây chanh được Long An ưu tiên phát triển. Ảnh QD

Đối với cây rau, ngành nông nghiệp tỉnh Long An cho biết, đang tập trung nâng chất các mô hình, HTX đã được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP giai đoạn 2016 - 2020 để thúc đẩy sản xuất theo hướng hữu cơ; xây dựng mô hình điểm sản xuất hữu cơ; xây dựng mô hình nhân rộng ứng dụng công nghệ cao, duy trì các mô hình giai đoạn 2016-2020 để đạt chứng nhận VietGAP giai đoạn 2021-2025.

Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh có 2.148ha/2.000ha rau ƯDCNC, đạt 107,4% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Qua triển khai, chương trình đã có sự chuyển biến rõ nét tại vùng rau truyền thống của tỉnh. Gần như 100% người nông dân sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất rau, việc bổ sung phân hữu cơ giúp cải tạo đất, cây sinh trưởng tốt hơn, kéo dài thời gian đổi đất...

Với cây chanh - một cây trồng đặc trưng của Long An cũng đang được tỉnh tập trung xây dựng mô hình điểm, thâm canh chanh theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, tính đến tháng 3/2025, toàn tỉnh có 4.114ha/3.000ha trồng chanh, đạt 137% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Thực tế cho thấy, hầu hết sản lượng chanh đạt chuẩn GlobalGAP hoặc trồng theo hướng GAP đều đủ điều kiện xuất sang thị trường châu Âu. Giá chanh ƯDCNC được thu mua cao hơn giá thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Điều này không chỉ giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình mà còn góp phần xây dựng thương hiệu chanh Bến Lức.

Về chăn nuôi, tỉnh Long An đang tập trung xây dựng mô hình điểm nuôi tôm ƯDCNC, tạo niềm tin cho người dân chuyển đổi, bởi chi phí đầu tư khá cao. Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, qua mô hình điểm, người dân đã mạnh dạn nhân rộng diện tích ứng dụng trên địa bàn các huyện. Tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao mô hình điểm là 98,84ha/100ha so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025, đạt 98,84 % so với kế hoạch. Người dân đã nhân rộng mô hình với diện tích khoảng 1.172,14ha/2.146 hộ.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất trong ngành chăn nuôi bò thịt, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật, đặc biệt chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giống bò. Nhờ đó, đàn bò của tỉnh ngày càng được cải thiện về chất lượng, góp phần tăng năng suất, thu nhập cho người chăn nuôi. Hiện đàn bò của tỉnh có khoảng 110.000 con, bằng 98,8% so cùng kỳ năm 2023. Từ năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai xây dựng 5 mô hình điểm về chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại huyện Đức Huệ, Tân Trụ và Thủ Thừa.

Theo đó, khi tham gia mô hình, hộ chăn nuôi được hỗ trợ giống bò cái sinh sản, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; đồng thời, được hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị như máy cắt cỏ, máy băm cỏ…

Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi giống bò cái sinh sản. Từ năm 2022 đến thời điểm trước khi sáp nhập tỉnh, ngành đã hỗ trợ chuyển đổi 285 con bò cái sinh sản cho các hộ dân tại các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ. Nhờ chuyển đổi giống, năng suất bê sinh ra tăng 30%, trọng lượng bê tăng 20%, giá bán bê cũng tăng 20%.

Ngoài ra, ngành còn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, tập trung vào các nội dung: Kỹ thuật thiết kế chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật gieo tinh nhân tạo...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường – bà Đinh Thị Phương Khanh, các mô hình không chỉ góp phần thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống của nông dân mà còn giúp nâng cao chất lượng và giá trị đàn bò, tạo ra được nhiều thế hệ bò lai có ngoại hình đẹp, có khả năng phát triển tốt.

Ngành nông nghiệp tỉnh đánh giá, các giải pháp trên đã nâng cao hiệu quả kinh tế và đáp ứng theo yêu cầu của Chương trình.

Tăng cường chuyển đổi số trên 4 cây 2 con

Cùng với đột phá ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành làm động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện. Những nỗ lực không ngừng này không chỉ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp mà còn tạo nền tảng vững chắc cho cải cách hành chính, thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp thông minh và xây dựng nông thôn mới (NTM) thông minh.

 Cây rau là 1 trong 4 cây chủ đạo của nông nghiệp Long An. Ảnh: Q.D

 Cây rau là 1 trong 4 cây chủ đạo của nông nghiệp Long An. Ảnh: Q.D

Theo đó, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như Canh tác lúa thông minh sử dụng phần mềm Rynan Mekong, ứng dụng Agritask ghi chép nhật ký đồng ruộng, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 đang dần khẳng định hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho nông dân. Đặc biệt, việc xây dựng phần mềm quản lý và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng đã hỗ trợ hiệu quả từ khâu sản xuất, truy xuất nguồn gốc đến kết nối thị trường.

Công tác quản lý tài nguyên và môi trường cũng chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số. Sở đã vận hành hiệu quả 3 trạm quan trắc không khí, 3 trạm quan trắc nước mặt tự động, cùng 35 trạm đo mực nước và 13 trạm đo độ mặn tự động. Các trạm này cung cấp dữ liệu liên tục, giúp cảnh báo sớm, phục vụ công tác giám sát, dự báo thủy văn, điều tiết công trình thủy lợi và bảo vệ môi trường. Dữ liệu từ 12 trạm quan trắc chất lượng nước mặt, nước dưới đất và không khí được gửi nhận liên tục trên phần mềm Envisoft và chuyển tiếp về Bộ Nông nghiệp và Môi trường, góp phần vào hệ thống quản lý môi trường quốc gia.

Theo định hướng của lãnh đạo tỉnh, Long An vẫn tập trung phát triển 6 cây- con chủ lực, gồm: lúa, thanh long, chanh, rau, tôm và bò thịt. Đặc biệt, tập trung thực hiện các nội dung chuyển đổi số trên 4 loại cây trồng và 2 con vật nuôi theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ HTX, doanh nghiệp ƯDCNC vào sản xuất. Sẵn sàng xây dựng doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông ƯDCNC nếu có doanh nghiệp đề nghị.

Bên cạnh đó, chính quyền sẽ xây dựng 1-2 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm: gạo, rau, thanh long, chanh và bò thịt. Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh áp dụng và chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

theodanviet.vn

Tin khác

Kinh tế trang trại 1 giây trước
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An (cũ) lần thứ X, XI đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển 4 cây: lúa, chanh, thanh long, rau, và 2 con: bò, tôm.
Kinh tế trang trại 4 ngày trước
Được biết, mỗi năm anh Nguyễn Đức Hà, tỷ phú Lâm Đồng ở xã Rô Men, huyện Đam Rông thu nhập 3 - 4 tỷ đồng, là gương nông dân điển hình đất vùng sâu Rô Men.
Kinh tế trang trại 1 tuần trước
Người dân xóm Lợi A nhiều lần tố trang trại nông nghiệp gây ảnh hưởng môi trường, bất cập về đất đai.
Kinh tế trang trại 2 tuần trước
Sau nhiều ngày người dân bức xúc phản đối, Bộ Công an đã phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra và phát hiện hệ thống ống ngầm xả thải trái phép gây ô nhiễm từ một trang trại lợn quy mô lớn ra môi trường.
Kinh tế trang trại 2 tuần trước
Bạn đọc Mỹ Ly (Thái Nguyên) hỏi: “Có đúng từ ngày 1.7.2025, hộ dân có thể được giao đất, giao rừng trực tiếp từ cấp xã?”.