Lũ trên sông Hồng ở Hà Nội lớn nhất 20 năm qua, nhưng không thể ngập vào nội đô
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết lũ trên sông Hồng chỉ gây ngập khu vực ngoài đê của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình..., không thể ngập vào nội đô.
Mưa lũ tiếp tục diễn ra trên diện rộng, mực nước các sông lên cao tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Sông Tích tại huyện Thạch Thất nước dâng cao đã tràn đê. Sông Đáy nước tiếp tục dâng cao tràn vào nhà các hộ dân ở thôn 1, xã Phù Lưu Tế, người dân chủ động di dời tài sản đến vị trí cao hơn.
Tình trạng tràn bờ bao xảy ra ở các đoạn Gò Sui - Bồ Nành xã Cần Kiệm, Cửa Đình xã Yên Lạc, Cần Kiệm xã Phú Lễ (huyện Thạch Thất).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện Quốc Oai, Thạch Thất cho biết mực nước sông Tích lên cao, trên mức báo động 3 tại xã Kim Quan (huyện Thạch Thất).
Lực lượng chức năng ghi nhận một số vị trí bị tràn đê bao, đê bối như Khoang Ông, Đồng Mạ và các xã Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Minh Khai.
Trao đổi với báo chí ngày 11.9, ông ông Mai Văn Khiêm cho biết từ đêm qua đến sáng nay, lượng mưa tại phần lớn khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã có xu thế giảm đi so với 2 ngày trước đó. Từ rạng sáng 11.9 đến thời điểm này, mưa chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng và Đông Bắc Bộ, kéo vào khu vực Bắc Trung Bộ.
Dự báo từ hôm nay đến hết ngày mai, tình hình mưa vẫn còn tiếp tục kéo dài, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Khoảng sau ngày mai, khả năng mưa mới có dấu hiệu suy giảm.
Liên quan đến diễn biến lũ trên khu vực sông Hồng - Thái Bình, ông Khiêm thông tin, từ đêm qua đến nay, tình hình lũ trên sông Hồng đang có xu thế tăng. Đến 10 giờ sáng 11.9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã lên mức 11,02m, thấp hơn mức báo động 3 khoảng 0,48m.
"So sánh với dữ liệu quá khứ, mức lũ trên sông Hồng tại Hà Nội lên trên 11m đã xảy ra vào năm 2004, tức là cách đây 20 năm. Hiện nay lũ sông Hồng tại Hà Nội đã lên cao nhất 20 năm qua, lúc 10 giờ sáng nay là 11,04m và còn tiếp tục lên, nhưng không thể gây ngập trong nội thành do có đê sông Hồng", ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, Hà Nội nằm ở hạ du các con sông lớn như sông Hồng, Đà. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều sông khác chảy qua như Đáy, Đuống, Cầu, Cà Lồ; nội thành có các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét. Nước lũ ở Hà Nội phụ thuộc vào dòng chảy các sông trên.
Do mực nước thượng lưu sông Hồng ở Lào Cai, Yên Bái đã vượt báo động 3 và đang xuống nên lũ sẽ đổ về Hà Nội. Tuy nhiên, lũ trên sông Hồng chỉ gây ngập khu vực ngoài đê của các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình..., không thể ngập vào nội đô. Dự báo trong 6 giờ tới, mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên 11,3 m, dưới báo động 3 khoảng 20cm, sau đó có thể chững lại phụ thuộc vào mưa và xả của hồ thủy điện.
Đánh giá thêm về đợt lũ này, ông Khiêm cho biết đây là một đợt lũ hiếm gặp. Theo những dữ liệu thống kê đến thời điểm hiện tại, hầu hết các điểm đo tại sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thao, sông Lô đều lên trên mức báo động 3, trong đó các điểm đo trên sông Thao tại Lào Cai và Yên Bái vượt giá trị lịch sử.
Liên quan đến tình hình lũ trên các hệ thống hồ chứa, ông Khiêm thông tin, do lượng mưa lớn trong nhiều ngày vừa qua, nước trên các hồ hiện ở mức tương đối lớn. Trong đó, tại hồ Thác Bà, từ đêm qua đến nay, lưu lượng về hồ đã giảm khá nhiều so với 2 ngày trước đó. Đến 10 giờ sáng nay, lưu lượng nước về hồ Thác Bà ở mức là 2.955m3/s, gần tương đương với lưu lượng xả ra khỏi hồ. Mực nước hồ Thác Bà đo lúc 10 giờ sáng nay là 59,83m.
"Với lượng nước về hồ đã giảm nhiều so với hôm qua, chúng tôi đánh giá mặc dù vẫn còn ở mức nguy hiểm nhưng áp lực đã giảm, tạm thời chúng ta có thể theo dõi tiếp tình hình diễn biến của mưa. Hiện nay, dự báo mưa tại khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ có xu hướng giảm, nhưng diễn biến có thể còn thay đổi và chúng ta cần tiếp tục theo dõi", ông Khiêm nói.
Nguồn:1thegioi.vn