Thứ tư, 11/06/2025
  • Click để copy

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu có thêm 30.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập

11:10, 12/05/2025

Thành phố Hà Nội phấn đấu trong năm 2025, Hà Nội có thêm 30.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tính đến hết năm 2024, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt trên 400.000 doanh nghiệp, số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động chiếm khoảng 220.000 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98,2%. Khu vực này tạo việc làm cho 55,1% lao động, đóng góp trên 40% GDP cho thành phố Hà Nội.

 Hà Nội chính thức vận hành mô hình hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí. Ảnh: Đỗ Chí

 Hà Nội chính thức vận hành mô hình hỗ trợ thành lập doanh nghiệp miễn phí. Ảnh: Đỗ Chí

Tuy nhiên, khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng, số doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2025 giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn,...

Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện, với định hướng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 và tiến tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Các sở, ban, ngành phải giao nhiệm vụ cụ thể trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ.

UBND Thành phố đề ra các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó, phấn đấu trong năm 2025, Hà Nội có thêm 30.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, năm sau cao hơn năm trước, để từ nay đến năm 2030, Hà Nội có thêm 200.000 doanh nghiệp.

Thành phố rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong năm 2025 phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ đối với nhóm thủ tục hành chính và thủ tục hành chính nội bộ thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.

Thành phố rà soát, kiến nghị với bộ và cơ quan ngang bộ bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; chuyển mạnh quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đạt trên 50%; thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó có 10-15 sản phẩm được công nhận lần đầu. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng 9-10%.

Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 giải quyết việc làm cho 167.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55%.

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của Thành phố đạt trên 95% kế hoạch được giao; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo chỉ đạo phân luồng, rút ngắn thời gian xử lý đối với các nhóm hồ sơ thủ tục công việc...

Theolaodongthudo

Tin khác

Doanh nghiệp 6 giờ trước
Theo tin từ Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam ông Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng Bộ Công thương và đại diện các tổ chức, hiệp hội kinh doanh về dệt may, giày dép Hoa Kỳ đã có buổi làm việc.
Doanh nghiệp 3 ngày trước
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, thay thế Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 18/2023/NĐ-CP).
Doanh nghiệp 3 ngày trước
Chiều 6-6, tiếp tục phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp 4 ngày trước
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam và Estonia kết nối với nhau, kết nối 2 nền kinh tế, hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi ích cho hai nước, nhân dân hai nước.
Doanh nghiệp 1 tuần trước
Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu cho rằng, hiện nay khi xảy ra hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm rõ ràng. Vì vậy, trong sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật lần này phải làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành để xử lý triệt để.