Thứ tư, 30/10/2024
  • Click để copy

Nghệ An: Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu

14:52, 24/07/2024

Kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) Nghệ An ngày càng có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng ổn định, bền vững, tương xứng với tiềm năng là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Nghệ An đề ra trong thời gian tới.

Đây là cơ sở quan trọng góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả

Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024, Nghệ An phát triển thêm 10 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên toàn tỉnh lên 903 hợp tác xã, trong số đó có 690 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Trong đó, số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tốt là 540 hợp tác xã (chiếm 59,8%). Trong 6 tháng đầu năm 2024, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn theo các chuyên đề.

Bên cạnh các hợp tác xã có bề dày truyền thống, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã mới có sự đổi mới, năng động trong cơ chế thị trường, huy động được các nguồn lực để đầu tư, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, mạnh dạn kết nối để thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các thành viên hợp tác xã, khẳng định hướng đi và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong tổng số 567 sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, có 269 sản phẩm của 110 hợp tác xã và 56 tổ hợp tác.

HTX 1(1)

HTX Pù Mát (huyện Con Cuông) triển khai trồng cây cà gai leo, nguyên liệu sản xuất các sản phẩm như: Trà túi lọc, trà hòa tan và cao,…

Hoạt động của các hợp tác xã đã đóng góp một phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; khai thác các nguồn lực địa phương, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước tăng 6,76%.

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng cũng cho thấy, hiện nay vẫn còn một số hợp tác xã hoạt động hình thức, chưa có hiệu quả; Mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị chưa nhiều; Nguồn lực của các hợp tác xã để phục vụ sản xuất còn yếu...

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Liên minh Hợp tác xã tỉnh thực hiện các chỉ tiêu: Thành lập mới 20 hợp tác xã và thực hiện tốt các chuyên đề theo kế hoạch, trong đó tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu...

Tại hội nghị đã có 5 tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đề xuất những khó khăn, vướng mắc của hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, các hợp tác xã và các đơn vị thành viên, sự nỗ lực của các cấp, ngành, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, 6 tháng đầu năm 2024 vẫn có những bước phát triển, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, 6 tháng cuối năm 2024, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các thành viên ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh, tiếp tục tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế tập thể của tỉnh và cả nước, gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án “Tiếp tục đổi mới và phát triển hợp tác xã tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 -2025” theo Quyết định số 1958 ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Luật Hợp tác xã 2023. Xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các sở, ngành, cơ quan, địa phương.

HTX 2

Hiện có nhiều chuỗi liên kết có sự tham gia của HTX như HTX Rau củ quả an toàn Nam Anh – Nam Đàn

Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hợp tác xã. Tập trung rà soát hiệu quả hoạt động của các loại hình hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, các mô hình đã đầu tư, xây dựng và các chính sách đã triển khai để tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung các giải pháp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn cho các hợp tác xã trong chuyển đổi mô hình hoạt động, sản xuất kinh doanh theo hướng xây dựng, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị, trong đó chú trọng vào việc phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đối với các hợp tác xã, cần phát huy tốt nội lực, chủ động, mạnh dạn đầu tư mở rộng dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất kinh doanh, chú trọng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các sở, ngành và các địa phương, cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, bố trí các nguồn lực cho việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã...

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Tại Nghệ An, những năm qua khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang từng bước phát triển ổn định, khẳng định được ưu thế và vai trò cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế địa phương.

Nhiều giải pháp đã được đề ra nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể. Các sở, ban ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các hợp tác xã xây dựng, nâng cao trình độ cán bộ nòng cốt hợp tác xã kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng quản lý, quản trị hợp tác xã.

Xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ hợp tác xã và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách. Nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh hợp tác xã các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã. Phát huy hiệu quả hơn nữa các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; tăng cường hợp tác công - tư, tăng cường nguồn lực từ chính các thành viên hợp tác xã; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của xã hội để thúc đẩy khu vực kinh tế này phát triển nhanh, bền vững.

Bằng các giải pháp nỗ lực dưới sự chỉ đạo của tỉnh, tính đến ngày 31/12/2023, đã có 4 hợp tác xã được vay vốn từ các ngân hàng thương mại của tỉnh, với doanh số cho vay luỹ kế đạt 20,272 tỷ đồng, tổng dư nợ 7,200 tỷ đồng; có 11 hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Nghệ An, với số tiền 4,480 tỷ đồng và 5 hợp tác xã vay với số vốn 1,650 tỷ đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm Liên minh hợp tác xã Việt Nam…

Hầu hết các hợp tác xã đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của thành viên. Tuy nhiên, kết quả triển khai các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn; chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận vốn của các tổ chức kinh tế tập thể; số hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn còn thấp.

HTX 2

Nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Nghệ An đã kiến nghị một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cụ thể: Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo để khơi thông bế tắc nguồn lực vào hợp tác xã, trong đó có nguồn lực từ ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu với Chính phủ hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật liên quan đến tiếp cận vốn của hợp tác xã; Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức nâng cao nghiệp vụ cán bộ Quỹ hợp tác xã...

Các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phù hợp đã ban hành, nếu không còn phù hợp phải kịp thời sửa đổi, thay thế; chủ động ban hành chính sách và dành nguồn lực để hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế này, không trông chờ, ỷ lại. Đồng thời, nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm những mô hình thành công tại các địa phương trong nước và trên thế giới để áp dụng, phát triển.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể đối với các hoạt động kết nối cung-cầu để bảo đảm cho công tác này được duy trì thường niên và mang tính chuyên nghiệp, ngày càng có hiệu quả hơn.

Phối hợp với các địa phương cấp huyện, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ những sản phẩm, hàng hóa cần kết nối; tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của hợp tác xã để thông tin rộng rãi sản phẩm, hàng hóa của địa phương này tới địa phương khác trong vùng.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục chủ động, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Nghệ An triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; phối hợp nghiên cứu, đề xuất các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm có chất lượng, đạt chuẩn OCOP...

Báo Nghệ An

Tin khác

Nông thôn mới 41 phút trước
Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng sen, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sen Huế” cho 50 hội viên, nông dân đại diện các hộ trồng sen trên địa bàn huyện Quảng Điền.
Nông thôn mới 6 ngày trước
Quy hoạch bauxite trên địa bàn tỉnh Bình Phước khiến hàng loạt công trình xây dựng thuộc tiêu chí cứng xây dựng xã nông thôn mới đóng băng. Bình Phước khó đảm bảo hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Nông thôn mới 1 tuần trước
Chiều 22-10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị về việc đề nghị xét công nhận huyện Thanh Oai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Nông thôn mới 1 tuần trước
Chiều 21/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc sửa đổi một số nội dung tại Quyết định số 321/QĐ-TTg quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 321).
Nông thôn mới 1 tuần trước
Là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển sản xuất nông nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn đang tận dụng những lợi thế đó để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.