Thứ ba, 17/09/2024
  • Click để copy

Những đóng góp lớn lao của GS-TS Võ Tòng Xuân cho nông nghiệp Việt Nam

07:47, 21/08/2024

GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp của Việt Nam và thế giới vừa qua đời ngày 19.8. Tiễn biệt ông, giới khoa học, chính quyền và nông dân các tỉnh ĐBSCL dành cho ông tình cảm rất thiêng liêng, cao đẹp.

 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và GS-TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: L.T

 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và GS-TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: L.T

Viếng GS-TS Võ Tòng Xuân, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung viết: "Vô cùng thương tiếc GS-TS Võ Tòng Xuân, người thầy và là nhà khoa học lớn của nước nhà".

GS-TS Võ Tòng Xuân sinh ngày 6.9.1940 tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Thuở niên thiếu của ông trải qua nhiều cơ cực, vừa học vừa làm nhiều nghề để lo cho 5 anh em. Năm 1961, ông được học bổng du học tại trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos và là một du học sinh xuất sắc trong học tập.

 GS -TS Võ tòng Xuân vào những năm 1970 - Ảnh: TL

 GS -TS Võ tòng Xuân vào những năm 1970 - Ảnh: TL

Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Khi đất nước ở giai đoạn giao thời giữa chiến tranh và hòa bình, GS-TS Võ Tòng Xuân đã chọn con đường trở về quê hương, mang hoài bão lớn lao phục vụ nhân dân. Vì vậy, năm 1971, khi đang có việc làm ổn định ở Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI - Philippines), ông đã quyết định trở về nước, công tác tại Viện Đại học Cần Thơ (sau này đổi tên thành Trường Đại học Cần Thơ). Đến năm 1974, ông sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh rồi trở về vào tháng 4.1975.

 GS-TS Võ Tòng Xuân một đời gắn bó với cây lúa - Ảnh: L.T

 GS-TS Võ Tòng Xuân một đời gắn bó với cây lúa - Ảnh: L.T

Cách đây 2 năm, tôi có dịp làm việc với GS-TS Võ Tòng Xuân, khi được ông tiếp chuyện, tôi có hỏi ông: "Sau 30.4.1975, một số trí thức đi ra nước ngoài. Vì sao giáo sư không đi nước ngoài?". Ông ôn tồn giải thích: "Tôi là người sinh ra từ vùng quê nghèo An Giang. Tôi có định hướng học nông nghiệp để phục vụ quê hương, làm sao cho nông dân mình ngày càng khá, giàu lên. Dân mình sống trên vùng đất trù phú nhưng lại nghèo khó, đó là vấn đề trăn trở của tôi. Chính vì vậy tôi quyết ở lại Việt Nam".

 GS-TS Võ Tòng Xuân đi khảo sát giống lúa chịu mặn ở ĐBSCL - Ảnh: GS Nguyễn Thị Lang

 GS-TS Võ Tòng Xuân đi khảo sát giống lúa chịu mặn ở ĐBSCL - Ảnh: GS Nguyễn Thị Lang

Trong cuộc trò chuyện đó, GS-TS Võ Tòng Xuân nhớ lại cái thời cả nước thiếu gạo (1977-1978), ĐBSCL bị dịch rầy nâu, Đại học Cần Thơ tạm đóng cửa để ra đồng cứu lúa. Ông kể: "Đó là một quyết định táo bạo. Trong lúc ruộng lúa cao sản của hàng trăm ngàn nông dân bị thiệt hại vì rầy nâu, không còn gạo để ăn, phải ăn thân cây chuối xắt mỏng, biện pháp hữu hiệu nhất và ít tốn kém nhất là sử dụng giống lúa kháng rầy nâu phủ kín đồng bằng. Cách thực hiện cũng phải phù hợp với thực tế. Chiến thắng của nông dân ĐBSCL đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều thán phục".

 GS-TS Võ Tòng Xuân xem xét lúa giống với nông dân - Ảnh: Internet

 GS-TS Võ Tòng Xuân xem xét lúa giống với nông dân - Ảnh: Internet

GS-TS Võ Tòng Xuân kể lại: "Đây là một sự phối hợp lực lượng rất độc đáo. Từ 5 gram hạt giống lúa IR36 gửi trong một bao thơ từ Viện lúa tuốc tế ở Philippines, tôi và TS Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của IR36, sau đó nhân ra được khoảng 2 tấn lúa giống. Lúc đó nạn rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản trồng giống lúa cũ TN73-2 và IR26".

Hàng trăm ngàn bà con nông dân điêu đứng, nhiều người bán cả tủ thờ để đầu tư trừ rầy nâu nhưng vẫn thất bại. Thời đó người dân Vĩnh Long, Bến Tre phải cột xuồng nối đuôi nhau đi sang các tỉnh Sóc trăng, Bạc liêu, Cà Mau để mua gạo ăn.

 GS-TS Võ Tòng Xuân tại cuộc họp mặt đầu năm 2024 ở Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

 GS-TS Võ Tòng Xuân tại cuộc họp mặt đầu năm 2024 ở Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

"Tôi đề nghị ban giám hiệu cho đóng cửa trường trong 2 tháng để chúng tôi cho sinh viên đem phổ biến giống lúa mới IR36 kháng rầy để cứu nông dân. Ông Phạm Sơn Khai, Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ đã đồng ý. Hơn 2.000 sinh viên nông nghiệp và sư phạm, sau 2 ngày được huấn luyện cấp tốc 3 phương pháp: sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy, và cấy lúa 1 tép, đã ra quân dưới sự hướng dẫn của cán bộ Khoa Trồng trọt đến tất cả các địa phương đang có rầy nâu xuất hiện. Mỗi sinh viên mang 1kg lúa giống IR36 để gieo thành mạ rồi cấy ra 1.000 mét vuông ruộng, trái với tập quán của nông dân là phải cần đến 8 - 10kg lúa giống. Cán bộ nông nghiệp ở các huyện, xã tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long và Cần Thơ bố trí cho từng sinh viên đến ruộng của nông dân đang gặp dịch rầy nâu để chuẩn bị trồng giống lúa IR36 theo kỹ thuật mới", GS-TS Võ Tòng Xuân kể lại.

 Nhiều giống lúa chất lượng cao được trồng ở ĐBSCL từ các chương trình nhân giống của GS-TS Võ Tòng Xuân

 Nhiều giống lúa chất lượng cao được trồng ở ĐBSCL từ các chương trình nhân giống của GS-TS Võ Tòng Xuân

Cũng theo GS-TS Võ Tòng Xuân, ba tháng sau đó, tất cả các ruộng lúa IR36 chuẩn bị được gặt, nông dân phải ra đồng ngủ giữ lúa để không bị ăn cắp giống. Bà con đổi lúa giống cho nhau và tiếp tục nhân giống kiểu 1 tép như sinh viên đã hướng dẫn, và chỉ trong hai vụ lúa, giống mới IR36 đã phủ kín khắp các vùng lúa cao sản, quét sạch nạn rầy nâu, chấm dứt thảm họa cho nông dân. Nạn thiếu gạo ở ĐBSCL cũng hết từ đó.

 GS-TS Võ Tòng Xuân khảo sát vùng cây trái ở ĐBSCL - Ảnh: L.T

 GS-TS Võ Tòng Xuân khảo sát vùng cây trái ở ĐBSCL - Ảnh: L.T

Ông có một ý nghĩ rất thực tế về các mô hình hợp tác phát triển nông nghiệp: "HTX, hội quán, cánh đồng mẫu lớn, hay là 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải… Các mô hình này sẽ được nông dân quan tâm, tham gia khi họ thấy được lợi ích thiết thực".

Về thương lái trong phát triển nông nghiệp, ông cho rằng: "Do hoàn cảnh thực tế của nước ta, vì vậy, phát triển nông nghiệp hàng hóa phải có sự chỉ đạo của Nhà nước, sự phối hợp của nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân. Cũng nên phát huy tính tích cực của thương lái trong cung ứng lúa gạo. Làm thế nào hài hòa lợi ích của lực lượng sản xuất phân phối thì nền kinh tế sẽ chuyển biến tốt".

 Chương trình giúp cho Sierra Leone phát triển nghề trồng lúa nước của GS-TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: T.L

 Chương trình giúp cho Sierra Leone phát triển nghề trồng lúa nước của GS-TS Võ Tòng Xuân - Ảnh: T.L

Không chỉ lo cho nông nghiệp Việt Nam, GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn còn canh cánh bên lòng chương trình giúp cho Sierra Leone (châu Phi) phát triển nghề trồng lúa nước. Ở tuổi ngoài 80, GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn suy nghĩ miệt mài đưa kỹ thuật trồng lúa nước Việt Nam sang châu Phi. Trong số các nước châu Phi mà GS-TS Võ Tòng Xuân và nhóm cộng sự hỗ trợ, Sierra Leone là quốc gia đầu tiên.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết: "Tôi nghĩ Việt Nam mình từ chỗ thiếu ăn đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới thì mình có thể đem kinh nghiệm ra giúp Sierra Leone. Vậy là tôi hứa với ông Đại sứ và ông xúc tiến sắp xếp cho tôi sang Sierra Leone để khảo sát đất đai".

Sau bước đầu thử nghiệm thành công ở Sierra Leone, GS-TS Võ Tòng Xuân và các cộng sự tiếp tục có mặt Nigeria, Sudan, Mozambique, Rwanda, Burundi, Liberia để khảo sát. Từ những chuyến đi, ông chia sẻ: "Nếu được hướng dẫn, nông dân châu Phi có thể làm nông nghiệp rất tốt. Tuy nhiên, để làm được điều này cần rất nhiều yếu tố để hỗ trợ, đồng hành cùng phát triển". Chương trình này của ông còn dang dở.

 Cho đến cuối đời GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn còn tâm nguyện phục vụ xã hội - Ảnh: D.N.C

 Cho đến cuối đời GS-TS Võ Tòng Xuân vẫn còn tâm nguyện phục vụ xã hội - Ảnh: D.N.C

Sau hơn 50 năm liên tục hoạt động phụng sự nghề nông, cuối năm 2023, sau lần trải qua bạo bệnh, sức khỏe suy giảm nhưng ông vẫn đầy nhiệt huyết. Khi nhận giải thưởng VinFuture trị giá khoảng 6 tỉ đồng, ông lại quyết định dành trọn số tiền này để lập Quỹ học bổng chăm lo con em nhà nông.

 GS-TS Võ Tòng Xuân (trái) trong ngày nhận giải thưởng VinFuture năm 2023 - Ảnh: VnExpress

 GS-TS Võ Tòng Xuân (trái) trong ngày nhận giải thưởng VinFuture năm 2023 - Ảnh: VnExpress

Nhà giáo Võ Tòng Xuân được phong Giáo sư năm 1980, Anh hùng Lao động năm 1985, Nhà giáo Ưu tú năm 1990, Nhà giáo Nhân dân năm 1999. Ông đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, như: Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật năm 2005; giải thưởng Nikkei Á Châu 2002 về tăng trưởng vùng; giải thưởng Ramon Magsaysay về "Phục vụ Nhà nước" năm 1993; Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới" năm 1995; Huy chương "Kỵ mã nông nghiệp" của Bộ Nông Lâm Thủy sản Pháp năm 1996; Huân chương "Mặt trời mọc" của Chính phủ Nhật Bản về quan hệ Nhật – Việt năm 2019; giải thưởng Đặc biệt VinFuture 2003 về phụng sự nhân loại.

Nguồn: Văn Kim Khanh/1thegioi.vn

Tin khác

Nông nghiệp xanh 17 giờ trước
Nông dân vùng trồng mía và mì lớn nhất ở Ninh Thuận nhiều năm qua vẫn sản xuất đơn lẻ, tư duy nông nghiệp “mạnh ai nấy làm” khiến hiệu quả kinh tế không cao. Nông dân nơi đây đang mong chờ phát triển kinh tế hợp tác xã để nâng tầm giá trị 2 loại cây chủ lực mía, mì.
Nông nghiệp xanh 1 ngày trước
Các mô hình thí điểm đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha) cho thấy, nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng còn không ít thách thức...
Nông nghiệp xanh 4 ngày trước
Trong khi tại khu vực ĐBSCL mới chỉ thu hoạch được những vụ lúa sản xuất theo hướng giảm phát thải, thì Đắk Lắk đã là tỉnh đầu tiên ở nước ta bán được lượng giảm phát thải carbon từ lúa với giá 20 USD/1 tấn giảm CO2.
Nông nghiệp xanh 5 ngày trước
Mưa dông đã khiến hàng nghìn hecta lúa hè thu ở Bạc Liêu trong giai đoạn trổ chín bị đổ ngã, chậm tiến độ thu hoạch. Ngành nông nghiệp tỉnh này đang phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ nông dân thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại.
Nông nghiệp xanh 1 tuần trước
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các huyện bị thiệt hại khá lớn về sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích lúa, hoa màu, thủy sản bị đổ, ngập, hư hỏng và động vật bị chết…