Thứ năm, 12/09/2024
  • Click để copy

Nỗi niềm của những hộ dân nuôi cá lồng vùng hạ lưu sông Đà khi Thủy điện Hòa Bình xả lũ

18:06, 03/08/2024

Cứ mỗi lần Thủy điện Hòa Bình xả lũ, người dân vùng hạ lưu sông Đà lại lo lắng, nhất là những hộ dân sống bằng nghề nuôi cá lồng.

Clip: Anh Phan Văn Minh, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông lâm thủy sản Kỳ Sơn, xã Hợp Thành, TP Hòa Bình nói về thiệt hại khi thủy điện xả lũ.

Làng vạn chài nằm cạnh chân cầu Hòa Bình 3 (thuộc tổ 14, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình), là nơi sinh sống của 51 hộ dân với 171 nhân khẩu. Cuộc sống mưu sinh của các hộ dân ở đây chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản.

Mỗi lần Thủy điện Hòa Bình xả lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết, người dân không dám ra sông đánh bắt cá khiến thu nhập giảm sút. Bên cạnh đó, họ lại phải vất vả để neo đậu nhà cửa và di chuyển lồng bè nuôi cá. Và hơn nữa, những hộ dân nuôi cá lồng lo sợ việc xả lũ ảnh hưởng đến các lồng cá của gia đình.

 Mỗi lần Thủy điện Hòa Bình xả lũ, người dân làng vạn chài lại phải vất vả di chuyển lồng bè nuôi cá. Ảnh: Phạm Hoài.

 Mỗi lần Thủy điện Hòa Bình xả lũ, người dân làng vạn chài lại phải vất vả di chuyển lồng bè nuôi cá. Ảnh: Phạm Hoài.

Ông Nguyễn Văn Khoát, người dân làng vạn chài, chia sẻ: "Hiện, gia đình tôi đang có 10 lồng bè nhỏ nuôi cá. Khi xả lũ, nước ở thượng lưu chảy về khiến đàn cá bị chối nước và chết mất một ít. Tuy số lượng cá chết không đáng bao nhiêu nhưng tôi lo sợ sẽ ảnh hưởng tới sức đề kháng của cá, cộng với môi trường nước thay đổi sẽ khiến cá bị chết".

Ông Ngô Văn Thông – Trưởng làng vạn chài, cho biết: Trong đợt vừa rồi thủy điện xả lũ, mỗi hộ nuôi cá lồng bị chết khoảng 5kg đến 7kg cá da trơn, cá ngạnh. Việc xả lũ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và các hộ nuôi cá ở đây. 

"Nhiều hộ nuôi cá lồng lo ngại việc thủy điện xả lũ thời gian dài sẽ dẫn đến việc cá bị trúng độc mà chết", ông Thông cho hay.

 Những lồng cá của Hợp tác xã nông lâm thủy sản Kỳ Sơn (xóm Tân Thành, xã Hợp Thành, TP Hòa Bình) bị hư hỏng, nằm trơ trọi cạnh bờ sông. Ảnh: Phạm Hoài.

 Những lồng cá của Hợp tác xã nông lâm thủy sản Kỳ Sơn (xóm Tân Thành, xã Hợp Thành, TP Hòa Bình) bị hư hỏng, nằm trơ trọi cạnh bờ sông. Ảnh: Phạm Hoài.

Hợp tác xã (HTX) nông lâm thủy sản Kỳ Sơn (xóm Tân Thành, xã Hợp Thành, TP Hòa Bình) hiện có 15 hộ tham gia với khoảng gần 40 lồng nuôi các loại cá, như: rô phi, cá lăng, cá chiên...

Sau đợt xả lũ vừa qua của thủy điện Hòa Bình, những lồng cá của HTX đã bị dòng nước làm hư hỏng, nằm trơ trọi cạnh bờ sông.

Chỉ tay vào những lồng cá, anh Phan Văn Minh, Phó Giám đốc HTX nông lâm thủy sản Kỳ Sơn buồn bã nói: "Đợt vừa rồi, thủy điện xả lũ gây thiệt hại tương đối lớn cho HTX. Số cá bị chết rơi vào khoảng 16-18 tấn, ước tính khoảng 700 triệu đồng. Thủy điện xả lũ khiến nước chảy mạnh làm hư hỏng hệ thống lồng bè. Để tiếp tục nuôi, HTX phải gia cố và sửa chữa lại lồng bè. Nếu sửa chữa lại, mỗi lồng ước tính mất khoảng 4-5 triệu đồng".

 Theo anh Phan Văn Minh, Phó Giám đốc HTX nông lâm thủy sản Kỳ Sơn, hiện nay nhiều thành viên HTX đã không còn mặn mà với nghề nuôi cá lồng nữa, bởi mỗi lần xả lũ, cá lại bị chết, gây thiệt hại lớn cho các thành viên. Ảnh: Phạm Hoài.

 Theo anh Phan Văn Minh, Phó Giám đốc HTX nông lâm thủy sản Kỳ Sơn, hiện nay nhiều thành viên HTX đã không còn mặn mà với nghề nuôi cá lồng nữa, bởi mỗi lần xả lũ, cá lại bị chết, gây thiệt hại lớn cho các thành viên. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo anh Minh, hiện nay, nhiều thành viên HTX đã không còn mặn mà với nghề nuôi cá lồng nữa, bởi mỗi lần xả lũ, cá lại bị chết, gây thiệt hại lớn cho các thành viên. Bình quân mỗi lồng sẽ thu hoạch được khoảng 5 tấn cá, nếu bị chết thiệt hại cũng khoảng 200 triệu đồng.

"Hợp tác xã mong muốn các cấp chính quyền địa phương, mỗi lần xả lũ có kế hoạch thông báo sớm hơn cho những người nuôi cá lồng ở dưới hạ lưu có phương án chủ động ứng phó. Bình thường, trước khi thủy điện mở cửa xả đáy từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới nhận được thông báo thì không kịp để xoay sở", anh Minh bộc bạch.

Theo danviet.vn

Tin khác

Thủy sản 5 ngày trước
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU, Liên minh châu Âu (EU) đang đưa ra các hướng dẫn chi tiết liên quan đến thực thi Luật Chống phá rừng (EUDR). Luật sẽ có hiệu lực thực hiện từ 30/12/2024 và áp dụng từ 30/6/2025 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủy sản 6 ngày trước
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, chiếm 52% sản lượng, 90% thương mại cá tra toàn cầu.
Thủy sản 1 tuần trước
Cứ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về tỉnh An Giang tạo thành biển nước mênh mông, với nét đặc trưng mùa nước nổi.
Thủy sản 3 tuần trước
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 16/8/2024 phê duyệt Đề án xây dựng đảo Phú Quý thành trung tâm khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Thủy sản 4 tuần trước
Kiên Giang đang tích cực ứng dụng công nghệ số vào kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản góp phần chống khai thác IUU.