Nông thôn mới thay đổi diện mạo, đời sống người dân Lạng Sơn như thế nào?
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn đã tạo ra một "cú hích" mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn và nâng cao đời sống người dân một cách bền vững
Những con đường mở lối thoát nghèo
Một trong những thành tựu dễ nhận thấy nhất và có tác động lan tỏa mạnh mẽ nhất trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại Lạng Sơn chính là sự đột phá về hạ tầng giao thông. Tính đến hết tháng 6 năm 2025, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 109/175 xã đạt tiêu chí giao thông.

Bà con chung sức làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Hoàng Tính
Những con đường "nắng bụi, mưa lầy" ngày nào giờ đây đang dần được thay thế bởi những tuyến đường bê tông phẳng phiu, trải dài đến tận các thôn, bản xa xôi.
Những con đường mới không chỉ góp phần đi lại dễ dàng cho bà con nông dân mà con mở ra cơ hội giao thương, giúp nông sản của người dân xứ Lạng như: hoa hồi, na, hồng không hạt Bảo Lâm, thạch đen... dễ dàng vận chuyển đi đến với thị trường.
Cùng với giao thông là hạ tầng điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa cũng được đầu tư đồng bộ. Tính đến tháng 6/2025 đã có 167 xã đã đạt tiêu chí về Điện, 107 xã đạt tiêu chí Trường học.
Trong 6 tháng đầu năm 2025 tổng nguồn lực huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới đã lên tới hơn 5.632 tỷ đồng, chiếm gần 60% kế hoạch năm.
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, chương trình cũng đã huy động được sức mạnh to lớn từ cộng đồng. Người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã không chỉ đóng góp tiền của, ngày công mà còn hiến đất, chung tay xây dựng nên những công trình mang dấu ấn của chính mình.
Nông thôn mới góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống
Nếu hạ tầng là "phần cứng" thì phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân chính là "phần mềm", là trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới nông thôn mới. Lạng Sơn đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Bà con nông dân được tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Tính
Thay vì phát triển dàn trải, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung vào việc tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các chuỗi giá trị cho sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương.
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) tiếp tục là điểm sáng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.
Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được khuyến khích nhân rộng.
Cùng với đó hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử được đẩy mạnh, giúp người nông dân không còn phụ thuộc vào thương lái, tự tin làm chủ đầu ra cho sản phẩm của mình.
Nhờ đó, tiêu chí Thu nhập và Tổ chức sản xuất đang có những bước tiến vững chắc. Đến hết tháng 6, toàn tỉnh Lạng Sơn đã có bình quân 15,6 tiêu chí nông thôn mới/xã.
Bên cạnh đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân cũng được chăm lo một cách toàn diện. Các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng được tổ chức sôi nổi.
Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2025.
Trên cơ sở đó Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn cũng đẩy mạnh triển khai Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; xây dựng các Chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “ 5 tự” và “ 5 cùng” thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, năm 2025.
Vẫn còn đó những thách thức
Bên cạnh những thành tựu to lớn, cũng còn đó những khó khăn, thách thức. Kết quả xây dựng nông thôn mới còn chưa đồng đều giữa các địa phương.

Nông thôn mới đã góp phần tạo diện mạo mới, nhiều miền quê đáng sống. Ảnh: Hoàng Tính
Một số tiêu chí mềm như: Môi trường và an toàn thực phẩm, Văn hóa vẫn là những thách thức lớn, đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của mỗi người dân. Nguồn lực đầu tư, dù lớn, vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.
Để hành trình nông thôn mới tiếp tục đi vào chiều sâu và bền vững, Lạng Sơn đã đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cho giai đoạn 2026-2035, đặt biệt là việc sáp nhập các địa phương tỉnh Lạng Sơn chỉ còn 65 đơn vị hành chính (4 phường và 61 xã) cần có hướng dẫn cụ thể để thực hiện trong thời gian tới.
Đồng thời cũng có những cơ chế đặc thù về lồng ghép nguồn lực, tăng cường phân cấp để địa phương chủ động hơn trong việc thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế.
Chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng với một chiến lược đúng đắn, sự đồng lòng của chính quyền và người dân, có thể tin tưởng rằng Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục là động lực mạnh mẽ, mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho những miền quê xứ Lạng.
theodanviet.vn