Nữ Giám đốc HTX trẻ ở Thái Nguyên đề xuất cơ chế hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè
Gửi tâm tư tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm 2024, chị Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc HTX Chè Phúc Nguyên mong nhà nước có cơ chế hỗ trợ HTX trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất chè an toàn tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường.
Là một cô gái trẻ có niềm đam mê cây cối nên sau khi kết hôn, chị Đỗ Thị Nguyên đã theo chồng từ Nam ra Bắc, phát triển nghề sản xuất chế biến chè của gia đình chồng tại xóm Dưới 3 (xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Sau những khó khăn ban đầu do chưa có kinh nghiệm, phải bỏ đi nhiều mẻ chè bị hỏng, bằng sự nỗ lực và kiên trì của bản thân, chị Nguyên đã bước đầu thành công và đưa ra thị trường những sản phẩm chè đầu tay được thị trường đón nhận.
Với mong muốn đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng, năm 2022 chị Nguyên đã thành lập HTX Chè Phúc Nguyên với 11 thành viên đều là người địa phương. Trên cơ sở đó, chị đã tuyên truyền, vận động bà con trong vùng sản xuất chè theo hướng an toàn với quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Văn Yên trên thị trường.
Bằng sự tâm huyết, hướng đi mới và cách làm sáng tạo, đến nay chỉ sau 2 năm, các sản phẩm của HTX chè Phúc Nguyên đã vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với hệ thống nhà phân phối mở rộng, được khách hàng tin tưởng và đánh giá cao về chất lượng.
Tuy nhiên, theo chị Nguyên trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, yêu cầu sản phẩm trà chất lượng cao, giá thành phải cạnh tranh. Muốn làm được điều đó, người dân phải tổ chức "hành động tập thể" thành lập những tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ với HTX và chăm sóc chè theo một tiêu chuẩn thống nhất.
Trước thực tế đó, HTX Chè Phúc Nguyên rất quan tâm đến nhóm vấn đề xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
Chính vì vậy, chị Nguyên đề xuất các ban ngành, cơ quan chuyên môn sẽ khảo sát những vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn về diện tích, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, vùng đệm... đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng vùng nguyên liệu sạch, vùng nguyên liệu hữu cơ để triển khai mạnh mẽ các dự án hỗ trợ, dự án liên kết chuỗi. Từ đó, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân liên kết cùng nhau tạo nên "sức mạnh tập thể", phát huy tối đa ưu thế vùng nguyên liệu.
Trên cương vị là giám đốc HTX chè Phúc Nguyên, chị Nguyên nhận thấy ưu thế của địa phương nơi chị sinh sống có vùng nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng được các tiêu chí để có thể xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, khi triển khai đến bà con nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người dân về sản xuất các sản phẩm hữu cơ còn thấp, bên cạnh đó việc áp dụng các quy trình hữu cơ sẽ khiến năng suất giảm. Nếu như chi phí đầu tư lớn, mà giá thành sản phẩm khi xuất bán ra thị trường lại không cao sẽ không đảm bảo được hiệu quả kinh tế.
Trước những khó khăn như vậy, HTX và người nông dân rất cần được sự hỗ trợ của nhà nước trong những giai đoạn đầu xây dựng vùng nguyên liệu chuyển hướng sang hữu cơ. Nhất là việc mở các lớp tập huấn để bà con hiểu được lợi ích của các sản phẩm hữu cơ, an toàn cho sức khỏe.
Đồng thời, mong muốn nhà nước triển khai các dự án hỗ trợ phân bón, cây giống, vật tư phù hợp, thiết thực trên cơ sở bám sát nhu cầu và điều kiện thực tế của vùng nguyên liệu. Cũng như tổ chức những chương trình Hội chợ, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm giúp HTX liên kết với các doanh nghiệp, tìm đầu ra cho bà con nông dân.
Nguồn:danviet.vn