Quản lý thị trường vàng và đô la Mỹ làm 'nóng' nghị trường chất vấn tại Quốc hội
Là "Tư lệnh" ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trả lời đại biểu về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề làm "nóng" nghị trường là quản lý thị trường vàng và đô la Mỹ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết vừa qua việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước được người dân đồng tình. Tuy nhiên ngân hàng chỉ bán ra mà không mua vào nên người dân có nhu cầu không biết bán ở đâu. Nguyên nhân do đâu?
Đại biểu Hòa cũng chất vấn tại sao chỉ triển khai bán vàng ở TPHCM và TP. Hà Nội mà không bán nhiều nơi cho dân được mua?
Đại biểu cũng hỏi hiện nay lượng kiều hối về Việt Nam rất nhiều, người dân gửi vào ngân hàng lại phải chịu lãi suất 0 đồng, trong khi Ngân hàng Nhà nước đi vay nước ngoài phải trả lãi, vậy sao không vay trả lãi cho dân, qua đó cũng kích thích lượng kiều hối gửi về nước, nguyên nhân từ đâu?
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ bán mà không mua, bà Hồng giải thích Ngân hàng Nhà nước cung vàng do nhu cầu gia tăng, chưa đặt vấn đề mua lại, mà tập trung thực hiện giải pháp tăng cung vàng.
Theo Thống đốc, hiện đã có 22 tổ chức tín dụng và 16 đơn vị kinh doanh mua bán vàng, vẫn diễn ra hoạt động mua bán bình thường. Việc doanh nghiệp không mua vàng cá nhân có thể vì một vài lý do như cân đối tiền.
Nhu cầu mua bán vàng chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM và thành phố lớn, Thống đốc cho hay Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép kinh doanh mua bán vàng chứ không quy định bắt buộc ở địa điểm nào.
Việc doanh nghiệp và tổ chức tín dụng xem xét đánh giá nhu cầu tỉnh thành và mở điểm mua bán vàng miếng. Qua tổng hợp nhu cầu mua bán chủ yếu là TP. Hà Nội, TPHCM và thành phố lớn còn các tỉnh thành khác không có tình trạng xếp hàng mua bán vàng miếng.
Về lý do áp lãi suất 0% với đô la Mỹ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trước đây thị trưởng ngoại hối, tỉ giá của Việt Nam trải qua những biến động, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp quan trọng về kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị Việt Nam đồng.
Cùng với đó, có những chính sách kết hợp chính sách lãi suất và tỉ giá để sao cho việc nắm giữ Việt Nam đồng hấp dẫn và có lợi hơn.
Theo đó lãi suất đô la Mỹ đưa về 0% và thực hiện các giải pháp để ổn định tỉ giá, ban hành các thông tư hạn chế doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ.
Đặc biệt Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá trên cơ sở tỉ giá trung tâm, hàng ngày có biến động lên xuống, giúp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Theo đó doanh nghiệp và người dân có đô la bán cho tổ chức tín dụng để bán lại cho Ngân hàng Nhà nước. Vì thế dự trữ ngoại hối Nhà nước mới gia tăng có lúc lên đến hàng tram tỉ đô la Mỹ (cuối 2015 chỉ có khoảng 30 tỉ đô la Mỹ).
"Chúng tôi thấy đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả và rất tốt, có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Còn bây giờ tăng lãi suất gửi ngoại tệ lên có nghĩa người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về những biến động tỉ giá, còn được lãi suất tiền gửi có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang ngoại tệ, gây rủi ro trở lại", Thống đốc khẳng định.
Ngay sau đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đã đăng ký tranh luận để làm rõ thêm phần chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc liên quan đến việc tại sao người dân bán vàng miếng, Ngân hàng lại không mua nên phải bán chợ đen, điểm này là bất hợp lý?
Đây là vấn đề lớn, thời gian trả lời trực tiếp tại Quốc hội có hạn nên Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa bằng văn bản.
Trả lời chất vấn về quản lý và bình ổn thị trường vàng mà đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đưa ra, Thống đốc cho hay thị trường vàng biến động, từ năm 2021 giá vàng thế giới tăng cao. Thực tế Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp trong thời gian này. Nhưng sau đó đến tháng 6-2024, giá vàng tiếp tục tăng ở mức rất cao. Trước khi can thiệp giá vàng từ 2.300-2.400 USD/ounce, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao nên Chỉnh phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc giảm chênh lệch. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đấu thầu và can thiệp 9 phiên đấu thầu.
Song do giá vàng thế giới lập đỉnh khá cao, nên để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã dùng biện pháp bán trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại. Phương án này giúp chênh lệch giá vàng giảm từ 15-18 triệu đồng/lượng, giờ chỉ còn 3-4 triệu đồng/lượng.
Theo Thống đốc, do nước ta không sản xuất vàng nên việc can thiệp còn phụ thuộc nhập khẩu vàng quốc tế và do diễn biến khó lường nên Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát thị trường thế giới để có chính sách ổn định thị trường vàng.
Lê Sơn(Chinhphu.vn)