Sau hợp nhất, TP.Đà Nẵng tiếp tục xây dựng nông thôn mới thông minh
Sau khi được công nhận xã nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu, thời gian qua các xã Duy Xuyên và Nam Phước (TP Đà Nẵng) tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng từng tiêu chí, hướng tới xây dựng xã NTM thông minh.
Ứng dụng công nghệ toàn diện
Ông Đặng Minh Hoa - Trưởng thôn Hà Nhuận (xã Nam Phước) cho rằng, việc xây dựng thôn NTM thông minh là khi mỗi người dân đều phải trở thành một công dân số. Vì vậy, Ban Nhân dân thôn đã sớm thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội trên nền tảng số.
“Hiện nay, hơn 95% hộ dân thôn Hà Nhuận lắp đặt và sử dụng internet. Tại nhà văn hóa thôn có wifi phục vụ người dân truy cập, khai thác thông tin.

Nhiều tuyến đường tại xã Nam Phước và Duy Xuyên, thành phố Đà Nẵng được lắp đặt camera giám sát. Ảnh: N.P.
Từ ngày xây dựng thôn NTM thông minh, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều được truyền tải qua mạng xã hội zalo nhanh chóng, dễ dàng. Nhiều người dân còn sử dụng các trang mạng xã hội để livestream quảng cáo, bán sản phẩm nông nghiệp”, ông Hoa chia sẻ.
Theo UBND xã Nam Phước, địa phương khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá từng chỉ tiêu của xã và thôn NTM thông minh; xây dựng phương án, bố trí nhân lực, trang thiết bị, đề ra giải pháp cụ thể, rõ ràng.
Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chính quyền xã Nam Phước thành lập tổ thanh niên xung kích phối hợp cùng tổ công nghệ số cộng đồng mở chiến dịch cao điểm triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã, thôn NTM thông minh.
Qua khảo sát, Nam Phước có 100% số thôn trang bị hệ thống kết nối internet băng rộng 3G, 4G và cung cấp dịch vụ wifi miễn phí cho người dân, ước tính 75% hộ gia đình kết nối internet băng rộng, 90 - 95% người dân, gia đình có điện thoại thông minh. Ngoài ra, 100% thôn đều có máy vi tính kết nối mạng để phục vụ các hoạt động ở thôn.

Xã Nam Phước tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn. Ảnh: N.P.
Đối với việc triển khai các ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền số thì công tác quản lý văn bản và điều hành (Qoffice) được thực hiện đúng quy trình gửi, nhận và xử lý văn bản đi, đến trên hệ thống. Thực hiện ký số đầy đủ của lãnh đạo UBND xã; tất cả cán bộ, công chức được cấp tài khoản và sử dụng hệ thống văn bản điện tử Qoffice, gửi nhận văn bản và trình lãnh đạo ký số…
Thông tin được lan tỏa nhanh, kịp thời
Xác định ứng dụng công nghệ số trong bảo đảm an ninh trật tự là một trụ cột then chốt của NTM thông minh, chính quyền xã Duy Xuyên tập trung chỉ đạo lực lượng công an tổ chức triển khai các mô hình “Camera giám sát an ninh” và “Nhóm zalo tuyên truyền pháp luật, cảnh báo tội phạm”.
Đây không chỉ là cách làm mới, phù hợp với xu thế chuyển đổi số mà còn mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật, kịp thời phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và giữ gìn sự bình yên tại địa phương.

Cán bộ Đoàn Thanh niên xã Duy Xuyên hướng dẫn người dân tham gia vào nhóm zalo phòng chống tội phạm. Ảnh: P.T.
Ông Dương Bốn ở thôn Trà Kiệu Tây (xã Duy Xuyên) bày tỏ: “Từ khi lắp đặt camera trên các trục đường chính thì tệ nạn xã hội giảm hẳn, nhiều vụ tai nạn giao thông trên địa bàn nhanh chóng được xác minh. Người dân không còn vứt rác thải bừa bãi ra môi trường”.
Theo ông Nguyễn Phước Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Xuyên, không thể xây dựng “nông thôn số” khi người dân vẫn còn lo sợ về các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội. Không thể yên tâm kết nối “học online, khám online, làm thủ tục online” nếu vẫn còn các hành vi lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt tài sản xảy ra ngay trong thôn xóm.
Trong bối cảnh đó, việc đưa vào vận hành mô hình “Camera giám sát an ninh” và “Nhóm zalo tuyên truyền pháp luật, cảnh báo tội phạm” là một bước tiến lớn, không chỉ hiện đại hóa phương thức bảo đảm an ninh trật tự mà còn góp phần đưa tiêu chí “Nông thôn thông minh” đi vào chiều sâu, thực chất, phù hợp tình hình thực tiễn.
Ông Minh chia sẻ, qua 4 năm đưa vào hoạt động, mô hình “Camera giám sát an ninh” với hàng chục mắt camera lắp đặt ở khắp các thôn thuộc phía tây nam của xã Duy Xuyên đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Công nghệ thông tin giúp Đà Nẵng thúc đẩy tiêu sản phẩm OCOP nhanh, bền vững. Ảnh: T.H.
Thông qua hệ thống này đã giúp cho lực lượng công an xã phát hiện, điều tra, khám phá 4 vụ trộm cắp tài sản, 1 vụ mua bán thuốc lá điện tử, thuốc domnic không rõ xuất xứ và 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản…. Đồng thời, hỗ trợ cho các đơn vị nghiệp vụ khác tiến hành điều tra, xác minh nhiều vụ việc xảy ra tại các địa phương khác có quãng đường di chuyển qua địa phận xã Duy Xuyên.
Cũng theo ông Minh, mô hình “Nhóm zalo tuyên truyền pháp luật, cảnh báo tội phạm” cũng mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác vận động nhân dân chấp hành pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm. Đây là hình thức dân vận khéo, vừa tiết kiệm chi phí, dễ tiếp cận, vừa phù hợp với thói quen sử dụng mạng xã hội của người dân hiện nay.
Qua nhóm zalo, lực lượng công an xã có thể nhanh chóng cập nhật các thông tin cảnh báo về tội phạm, phương thức và thủ đoạn lừa đảo mới, các quy định pháp luật mới có hiệu lực, tình hình thời tiết nguy hiểm liên quan đến phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai…
theodanviet.vn