Sử dụng đất dự án để kinh doanh sai mục đích: Cần chấn chỉnh, xử lý quyết liệt
Đất dự án chậm triển khai biến thành sân bóng, nhà xưởng, nơi tập kết vật liệu xây dựng, bãi trông giữ xe... Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm qua tại nhiều địa bàn ở Hà Nội và mỗi năm lại có thêm diễn biến mới.

Điểm trông giữ xe ô tô, xe máy trái phép tại lô N01, N03 thuộc ô đất ký hiệu D12, Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy).
Hiện nay, thành phố đã có chủ trương xử lý các dự án chậm tiến độ bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án chưa xác định được phương án giải quyết cụ thể nên vi phạm ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến diện mạo đô thị.
Vi phạm tràn lan
Trên địa bàn toàn thành phố hiện có nhiều dự án chậm triển khai và bị sử dụng sai mục đích. Đơn cử, một số diện tích đất tại Dự án Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) trở thành nhà xưởng, gara ô tô, quán ăn… Nhiều diện tích đất tại Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I (huyện Thanh Trì), Dự án Khu đô thị hỗ trợ - Khu công nghiệp Sài Đồng B tại phường Thạch Bàn (quận Long Biên) bị biến thành điểm kinh doanh sân bóng, bãi trông giữ xe…
Trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng tồn tại nhiều dự án đang “đắp chiếu” và bị sử dụng sai mục đích. Trong đó, tại lô N01, N03 thuộc ô đất ký hiệu D12, đoạn ngõ 93 phố Trần Thái Tông, có một số cá nhân quây tôn để tập kết vật liệu xây dựng. Hằng ngày, các phương tiện ra vào chở cát, sỏi, xi măng… khiến đường luôn bụi bẩn. Ngay bên cạnh là điểm trông giữ xe ô tô, xe máy trái phép. Gửi xe máy tại đây có giá 5.000 đồng/xe/lượt; ô tô có giá 30.000-50.000 đồng/xe/lượt; gửi xe tháng là 1,2-1,5 triệu đồng/tháng với ô tô và từ 150.000-200.000 đồng/tháng với xe máy. Sâu bên trong ngõ 93 phố Trần Thái Tông thường xuyên có nhiều ô tô cá nhân, xe khách, xe tải đỗ tràn lan. Nhiều hàng bán trà đá, đồ ăn… chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để buôn bán khiến ngõ phố bị thu hẹp, nhếch nhác, tạm bợ.
Tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, ô đất C/D13 do Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (CIRI) là chủ đầu tư nhưng một phần dự án đã biến thành sân bóng pickleball. Các phương tiện ô tô, xe máy để tràn lan trên vỉa hè, lòng đường xung quanh sân bóng, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Cần phương án, giải pháp cụ thểTrao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Lương Quang Việt thừa nhận những vi phạm tại ô đất C/D13 và ô đất D12 Khu đô thị mới Cầu Giấy là đúng như phản ánh. Trên thực tế, UBND quận Cầu Giấy đã chỉ đạo các phường tăng cường công tác quản lý, kiên quyết tháo dỡ các công trình vi phạm và khẩn trương quây rào tôn, không để xảy ra tình trạng sử dụng sai mục đích.
Trong đó, liên quan đến ô đất D12, từ ngày 10-3, UBND phường đã làm việc với các đơn vị đang kinh doanh hàng quán, tập kết vật liệu xây dựng, trông giữ phương tiện tại đây và yêu cầu khẩn trương di chuyển tài sản, vật kiến trúc trên ô đất; dừng mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên ô đất, thời gian xong trước ngày 20-3. Các chủ kinh doanh đều cam kết chấp hành. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì đến ngày 31-3, tại các ô đất này vẫn không có hoạt động di chuyển như yêu cầu của phường.
Còn với vi phạm xây dựng sân bóng tại ô đất C/D13, theo ông Lương Quang Việt, UBND phường đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư chấp hành quy định về quản lý sử dụng đất, thực hiện rào tôn toàn bộ cổng vào ô đất. Tuy nhiên, hiện các tấm tôn rào cổng phía phố Khúc Thừa Dụ và Trương Công Giai đã bị một số cá nhân tháo bỏ để tập kết máy móc, vật liệu phục vụ việc san nền. Chủ đầu tư cũng thừa nhận việc dựng các cột đèn phục vụ cho sân chơi thể thao, tận dụng làm đèn chiếu sáng và cam kết tự phá dỡ trước ngày 26-2. Tuy nhiên, đến ngày 31-3, ghi nhận của phóng viên tại sân bóng này là chủ đầu tư vẫn chưa tháo dỡ vật dụng như đã cam kết.
Trước tình trạng còn nhiều dự án chậm triển khai bị các chủ đầu tư sử dụng vào mục đích khác, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tập trung rà soát số lượng và tổ chức xử lý có trọng tâm, trọng điểm đối với 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai. Trong đó, căn cứ kết luận thanh tra, kiểm tra, thành phố đã chỉ đạo đưa 420 dự án ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai nhưng vẫn tiếp tục được giám sát; chỉ đạo tiếp tục đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau gia hạn 24 tháng, kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng với 292 dự án. Thành phố cũng tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có phương án sớm đưa đất đai vào khai thác. Nhiều dự án được gia hạn đã khắc phục vi phạm, sử dụng đất đúng mục đích. Thành phố nêu rõ, các trường hợp cố tình chây ỳ, tiếp tục vi phạm sẽ kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định.
Trên tinh thần này, các sở, ngành, địa phương cần xác định rõ các dự án trên địa bàn thuộc diện tiếp tục được giám sát, gia hạn hay cố tình chậm trễ, vi phạm, phải bị thu hồi. Đây là căn cứ để địa phương tổng hợp, đề xuất thành phố các phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án để công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị tại địa phương có hiệu quả cao hơn, tránh bị sử dụng sai mục đích và phá vỡ quy hoạch.
Theohanoimoi.vn