Tạo sự chủ động cho doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, kinh doanh
Chiều 17-4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Quang cảnh phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, về hạn chế trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và người dân đã được thể chế hóa cụ thể tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, Luật Đầu tư đã quy định rõ về những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, các quy định này được áp dụng cho mọi thành phần kinh tế, để bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư trong dự thảo Luật và đề nghị Chính phủ đề xuất bổ sung các ngành, nghề doanh nghiệp nhà nước không được đầu tư, kinh doanh.
Về thẩm quyền quyết định nhân sự tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị chỉnh lý, bổ sung một điều quy định có tính nguyên tắc trong dự thảo Luật về thẩm quyền quyết định nhân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi báo cáo tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị không quy định hội đồng thành viên, chủ tịch công ty phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.
Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị không quy định nội dung “trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ”, vì theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước được nộp về ngân sách; dự thảo Luật đã quy định trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển doanh nghiệp để sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và bổ sung vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Về các nội dung người đại diện phần vốn nhà nước xin ý kiến, quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị rà soát, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những nội dung thực sự quan trọng cần xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết; giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc xây dựng Luật lần này cần tập trung hoàn thiện thể chế mạnh mẽ, rõ ràng, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Chủ tịch Quốc hội lưu ý vấn đề hình thức quản lý doanh nghiệp nhà nước góp vốn dưới 50%; việc quản lý đầu tư tách bạch với chức năng quản lý nhà nước; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp…
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định về phạm vi điều chỉnh, cơ chế giám sát, vai trò của tổng công ty quản lý vốn đầu tư bảo đảm khả thi, minh bạch, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra cần tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc Quy định số 178-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: media.quochoi.vn
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng, nơi nào có vốn nhà nước thì phải có quản lý, cơ quan quản lý sẽ thay mặt chủ sở hữu vốn. Quy định về vốn nhà nước trong Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định trên 50% thì có quyền phủ quyết, dưới 50% không phủ quyết được thì báo cáo chủ sở hữu để dùng các công cụ quản lý kiểm soát.
Đối với cơ chế trả lương, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là cơ chế thu hút nhân tài, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật giỏi nên cơ chế trả lương cần thực hiện như tư nhân, giao quyền tự quyết việc trả lương nhân sự về cho các doanh nghiệp.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ chín.
Theohanoimoi.vn