Chủ nhật, 04/05/2025
  • Click để copy

Tập trung nguồn lực tiếp ứng hàng hóa cho các tỉnh phía bắc

17:57, 11/09/2024

Cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố miền Bắc dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) tập trung nguồn lực tiếp ứng cho hệ thống phân phối và kho vận miền Bắc.

 Trung tâm phân phối miền Bắc hoạt động liên tục - Ảnh: VGP/MT

 Trung tâm phân phối miền Bắc hoạt động liên tục - Ảnh: VGP/MT

Bình ổn thị trường và bảo đảm chất lượng hàng hóa

Theo đó, toàn bộ hệ thống phân phối của Saigon Co.op bảo đảm nguồn hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả không biến động. Doanh nghiệp cũng đã làm việc với các đối tác kinh doanh để khuyến mãi sâu dành riêng cho thị trường miền Bắc, góp phần bình ổn thị trường, ổn định tâm lý người dân. Khu vực này có 11 Co.opmart và 28 Co.op Food (tại Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ).

Tại Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Phòng (3 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất), Co.opmart đã linh động dành sảnh siêu thị để người dân đến sạc điện thoại và được phục vụ nước uống miễn phí, đặc biệt Co.opmart còn mở cửa để đón người dân có thể đến trú tránh bão lũ. Chương trình Co.op Cares trao 1.000 phần cho những hoàn cảnh khó khăn tại 3 địa phương nói trên. Mỗi suất bao gồm các sản phẩm nhu yếu phù hợp với tình hình thực tế như nước uống đóng chai, thịt hộp, cá hộp, bánh ngọt, sữa… bảo đảm chất lượng thực phẩm.

 Co.opmart miền Bắc bảo đảm hàng hóa đầy đủ, vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh: VGP/MT

 Co.opmart miền Bắc bảo đảm hàng hóa đầy đủ, vệ sinh an toàn thực phẩm - Ảnh: VGP/MT

Co.opmart khu vực miền Bắc phối hợp cùng Trung ương Hội Chữ thập đỏ vận chuyển hàng đến các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở. Tại những địa phương có Co.opmart trú đóng, nhân viên Co.opmart sẵn sàng phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể tham gia các chuyến cứu trợ cho các hộ dân.

Đồng thời, Saigon Co.op đã nhanh chóng tăng lượng hàng dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường. Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên được chia ca kíp, tăng ca làm việc để Trung tâm hoạt động 24/24 giờ với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa. 

Bảo đảm nguồn cung 

Số lượng xe được Saigon Co.op điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Ngoài xe chuyên dụng, xe bảo ôn, Trung tâm phân phối Saigon Co.op đã linh động sử dụng xe tải gọn nhẹ nhằm có thể di chuyển nhanh chóng trên những tuyến đường. 

Nhờ vậy, mặc dù một số vùng đang bị ngập úng, nhưng Saigon Co.op vẫn bảo đảm đường vận chuyển thông suốt từ toàn quốc đến Trung tâm phân phối miền Bắc và từ Trung tâm đến hệ thống Co.opmart, Co.op Food.

 Saigon Co.op tăng cường mặt hàng rau củ quả từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ ra thị trường miền Bắc - Ảnh: VGP/MT

 Saigon Co.op tăng cường mặt hàng rau củ quả từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ ra thị trường miền Bắc - Ảnh: VGP/MT

Rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo tình hình thời tiết, nên Saigon Co.op đã tăng cường mặt hàng này từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Saigon Co.op đã đặt hơn 200 tấn bao gồm rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, xà lách, ớt chuông, bầu, bí, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, dưa lưới, cam… từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh… và sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc. Co.opmart hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của 2 bên.

Tại từng điểm bán, Co.opmart đã tăng giờ phục vụ, chỉ đóng cửa khi vị khách cuối cùng ra về. Nhân viên Co.opmart túc trực tại các line hàng, cash thu ngân, kho bãi… để hỗ trợ khách hàng mua sắm thuận tiện và nhanh chóng. Sức mua và lượt khách tại siêu thị tăng 50% so với ngày thường. 

Các đơn hàng đặt trực tuyến (qua website Co.op online và hot line 1900555568) tăng gấp 2-3 lần, đơn tập trung vào nhóm các thực phẩm khô như mì, bún, miến phở ăn liền, lương khô, sữa, bánh kẹo. Đơn hàng được nhân viên sắp xếp, nỗ lực giao trong ngày. Đối với những khu vực đang bị giao thông chia cắt, Co.opmart trao đổi với khách hàng nhằm tìm kiếm giải pháp giao nhận thuận tiện nhất.

Minh Thi(Chinhphu.vn) 

Tin khác

Sản phẩm 4 ngày trước
Kiểm tra một hộ kinh doanh tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cơ quan chức năng phát hiện gần 11 tấn thịt và nội tạng bò không rõ nguồn gốc, có sản phẩm đã bốc mùi.
Sản phẩm 5 ngày trước
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã giúp các làng nghề phát triển hàng Việt đặc thù. Tuy nhiên, khó khăn là việc đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ lại không dễ dàng.
Sản phẩm 1 tuần trước
Trong năm 2024 và quý 1 năm 2025, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ 2.654 hộp sữa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đã qua sử dụng...
Sản phẩm 1 tuần trước
Trong 84 sản phẩm, Bộ Công an xác định 12 nhãn hiệu sữa là hàng giả, 72 sản phẩm còn lại đang tiếp tục được điều tra, xác minh.
Sản phẩm 1 tuần trước
Ngày 21.4, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATTP.
đọc nhiều