Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng về du lịch nông nghiệp
Thanh Hoá là tỉnh có tài nguyên du lịch tự nhiên - cảnh quan tự nhiên khu vực nông nghiệp, nông thôn phong phú, mang nét đẹp riêng và phân bố theo từng vùng địa hình, vùng nông nghiệp... là điều kiện rất thuận lợi để du lịch nông nghiệp phát triển, vươn xa hơn.
Chiều 29/10, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo Đề án phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030.
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, tỉnh Thanh Hoá có tài nguyên du lịch tự nhiên - cảnh quan tự nhiên khu vực nông nghiệp, nông thôn phong phú, mang nét đẹp riêng và phân bố theo từng vùng địa hình, vùng nông nghiệp.
Cùng với đó, tài nguyên du lịch văn hoá - hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn như các làng nghề, di tích văn hoá, tâm linh mang giá trị văn hoá nông thôn. Cùng với lợi thế về vị trí địa lý, khả năng kết nối các tuyến du lịch khác của tỉnh, của khu vực, là điều kiện rất thuận lợi để du lịch nông nghiệp phát triển, vươn xa hơn.
Tuy nhiên, thực trạng du lịch nông nghiệp địa phương còn nhiều hạn chế, như chưa định hình thành một dòng sản phẩm riêng biệt trên bản đồ du lịch; chưa có sản phẩm du lịch nông nghiệp nổi bật, đặc trưng của tỉnh; một số sản phẩm nông nghiệp mới xây dựng chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ở mức cơ bản...
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đa giá trị, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 ngành du lịch nông nghiệp sẽ đón 1.169.000 lượt khách; trong đó có 13.000 lượt khách quốc tế.
Tổng thu du lịch nông nghiệp đến năm 2030 đạt 741 tỷ đồng; thu hút 9.000 lao động tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp; có 80% điểm du lịch nông nghiệp được thực hiện số hoá...
Đề án cũng định hướng 5 không gian phát triển du lịch nông nghiệp gồm: Không gian du lịch miền núi phía Tây; không gian du lịch miền núi phía Nam; không gian vùng trung tâm của tỉnh; không gian phát triển du lịch phía Bắc và không gian phát triển du lịch ven biển và đồng bằng ở phía Đông.
Cùng với đó, đề án cũng xác định 3 tuyến du lịch nông nghiệp gồm tuyến nội vùng, tuyến liên kết nội tỉnh và tuyến liên kết ngoại tỉnh; định hướng hoạt động đầu tư phát triển các điểm du lịch và 8 nhóm giải pháp phát triển, với tổng nguồn kinh phí thực hiện đề án dự kiến là hơn 181 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đánh giá cao đơn vị chủ trì và đơn vị tư vấn đã thực hiện khảo sát kỹ lưỡng để có những đánh giá sát thực tiễn về lợi thế, về các dòng sản phẩm, thực trạng phát triển cũng như xây dựng lộ trình phát triển du lịch nông nghiệp trong Đề án phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030.
Theo đó, trên cơ sở các góp ý, thảo luận, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch và đơn vị tư vấn tiếp thu, bổ sung thêm các sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch lợi thế mà các địa phương đã đề xuất; trong đó có định hướng cụ thể hơn về sản phẩm đặc trưng, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp điểm duy trì được kiến trúc tự nhiên và gắn liền với hoạt động trải nghiệm; thực hiện số hoá dữ liệu các điểm du lịch và phát triển các kênh truyền thông để quảng bá tiếp cận khách hàng...
Sau khi tiếp thu và bổ sung, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch lấy ý kiến các ngành, đơn vị trước ngày 15/11, hoàn chỉnh đề án trước ngày 20/11 để Văn phòng UBND tỉnh xem xét, trình UBND tỉnh trong tháng 11/2024.
Nguồn:kinhtedothi.vn