Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sẽ phát động phong trào cả nước thi đua làm giàu
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ xây dựng kịch bản Phát động phong trào cả nước thi đua làm giàu trong thời gian tới, ngay sau khi các Nghị quyết về kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ được ban hành, thực thi.
Sáng 18/5 tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hôi nghị Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 66-NQ/TW.
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương tại nhiều điểm cầu trên cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội nghị
Theo Thủ tướng, quá trình phát triển của khu vực KTTN trong gần 40 năm qua có thể được khái quát thành 05 giai đoạn: Giai đoạn 1986 - 1999: Hình thành và được thừa nhận; Giai đoạn 2000 - 2005: Khởi sắc với Luật Doanh nghiệp; Giai đoạn 2006 - 2015: Hội nhập và mở rộng; Giai đoạn 2016 - 2024: Khởi nghiệp bùng nổ và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; Giai đoạn từ năm 2025 trở đi: Định hướng phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế tự chủ, bền vững.
Thủ tướng khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế…
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, từ khoảng 5 nghìn doanh nghiệp năm 1990 lên 50 nghìn doanh nghiệp năm 2000, và 200 nghìn năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Kinh tế tư nhân đóng đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP, sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế; tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu NSNN, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế của khu vực tư nhân, trong đó khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia.
Mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025)vẫn chưa đạt được. Gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV), siêu nhỏ (gần 70% quy mô siêu nhỏ), sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế…
Đáng nói, một bộ phận DNTN chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh còn hạn chế (cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm hợp đồng…).

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68, về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Một số DNTN còn tham gia vào buôn lậu, trốn thuế, thao túng thị trường, găm hàng, đội giá… Công tác quản lý hộ kinh doanh cá thể còn nhiều hạn chế, bất cập.
Theo Thủ tướng, qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chúng ta cũng thấy rõ những bất cập mang tính căn cơ, bản chất. Cụ thể như nhận thức về kinh tế tư nhân còn hạn chế, quan điểm chưa cởi mở; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bất cập; tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về KTTN chưa thực sự kịp thời, hiệu quả.
“Một bộ phận DNTN chưa thực sự chủ động, linh hoạt, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển KTTN. Thủ tục hành chính còn vướng mắc. Đơn cử như chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 xếp hạng 70/190 quốc gia, thấp hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi chưa được bãi bỏ, sửa đổi kịp thời; thủ tục đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn phức tạp, thiếu minh bạch; một số chính sách hỗ trợ DNTN khó thực hiện như hỗ trợ đầu tư nghiên cứu phát triển, ưu đãi thuế, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp….
Năng lực nội tại của KTTN còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức còn mang nặng tính “xin - cho”; còn tình trạng thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiếp tay cho tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí.
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân nước ta những năm qua và kinh nghiệm quốc tế.
Trong đó, quan trọng nhất là cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN là một động lực quan trọng nhất và là trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và hành động mạnh mẽ hỗ trợ KTTN phát triển.
Nâng cao vai trò kiến tạo của Nhà nước, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện, có cơ chế, chính sách đột phá, xoá bỏ mọi rào cản để phát triển KTTN, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.
Bảo đảm KTTN được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; có cơ chế, chính sách, giải pháp vượt trội, đột phá để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là cho nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hoá, giảm chi phí thủ tục hành chính.
Ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ DNTN vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc tế.
Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ vượt trội để thu hút nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KTTN.
Về quan điểm chỉ đạo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh 5 điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, phải quán triệt tư tưởng, hành động coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực
Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm KTTN bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.

Toàn cảnh hội trường phiên họp
Thủ tướng tiết lộ: “Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ xây dựng kịch bản Phát động phong trào cả nước thi đua làm giàu trong thời gian tới, ngay sau khi các Nghị quyết về kinh tế tư nhân được thực thi”.
Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của KTTN tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
nguon danviet.vn