Chủ nhật, 11/05/2025
  • Click để copy

Thương mại hóa các sản phẩm KHCN là thước đo hiệu quả của Nghị quyết 57

18:03, 11/05/2025

Số lượng sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng thành công và thương mại hóa sẽ là thước đo cụ thể cho hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết 57.

Tháo gỡ thể chế, phát huy vai trò dẫn dắt

Trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định những đột phá chiến lược, giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

 Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ được xem là bước đi thiết thực gắn kết chính sách với thực tiễn phát triển - Ảnh: IT

 Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ được xem là bước đi thiết thực gắn kết chính sách với thực tiễn phát triển - Ảnh: IT

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này cần phải tháo gỡ rào cản thể chế, xây dựng cơ chế vận hành linh hoạt, tạo điều kiện thực chất để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia sâu hơn vào quá trình hoạch định và triển khai chính sách, góp phần đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển đất nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA), ông Đặng Huy Đông đánh giá, Nghị quyết số 57 không chỉ khẳng định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển đất nước mà còn mở ra thời cơ bứt phá cho các lĩnh vực này. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu lớn, điều kiện tiên quyết là phải tháo gỡ những rào cản thể chế hiện hữu.

Theo ông Đông, hiện nay nhiều ý tưởng, sáng kiến từ đội ngũ trí thức và doanh nghiệp vẫn chưa có "kênh pháp lý" để triển khai vào thực tiễn, do thiếu những cơ chế linh hoạt, thí điểm. Vì vậy, cần mạnh dạn áp dụng mô hình thử nghiệm chính sách (sandbox), một công cụ đã được nhiều nước sử dụng thành công để thí điểm các mô hình mới trong môi trường pháp lý kiểm soát, từ đó từng bước hoàn thiện khung pháp lý phù hợp. Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình cụ thể như số hóa dữ liệu, phát triển hạ tầng số, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ cũng là những bước đi thiết thực gắn kết chính sách với thực tiễn phát triển.

Theo đó, ông Đông đề xuất cần xây dựng bộ tiêu chí cụ thể nhằm xác định vị trí của trí thức trong từng mắt xích đổi mới sáng tạo. Khi hành lang pháp lý được thông thoáng và cơ chế vận hành tốt, đội ngũ trí thức mới có thể đóng góp hiệu quả, sáng tạo, góp phần chuyển hóa khoa học công nghệ thành động lực phát triển đất nước. Số lượng sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) được ứng dụng thành công và thương mại hóa sẽ là thước đo cụ thể cho hiệu quả thực hiện nghị quyết.

Chia sẻ quan điểm này, Phó chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam Phạm Ngọc Sơn cho rằng, hiện lực lượng trí thức có chuyên môn sâu, kể cả những người đã nghỉ hưu, tham gia vào các nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng, quy trình phân công nhiệm vụ chưa minh bạch và nguồn lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu.

Rào cản lớn nhất hiện nay dẫn đến tình trạng trí thức chưa "mặn mà" với việc tham gia hoạt động tư vấn, phản biện, giảng dạy, nghiên cứu khoa học là chế độ đãi ngộ còn chưa tương xứng. Ông Sơn kiến nghị cần có chính sách tài chính ổn định, tăng mức thù lao cho các chuyên gia và hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức khoa học duy trì hoạt động thường xuyên. Đồng thời, xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ nghiên cứu, phản biện xã hội ngay từ khâu lập kế hoạch, thực hiện đến đánh giá kết quả, gắn lý luận với thực tiễn.

Giới chuyên gia cũng cho rằng để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thực sự phát huy vai trò trong thực hiện Nghị quyết số 57 thì cần điều chỉnh mô hình tổ chức theo hướng hiện đại, linh hoạt và sát thực tiễn.

Mô hình tổ chức hiện nay đã có những đóng góp nhất định, nếu không được đổi mới theo hướng mở rộng đối tác, tăng cường tính tự chủ thì khó đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA Phạm Văn Tân đề xuất giải pháp phát triển mô hình tổ chức dựa trên hai trụ cột, đó là vừa duy trì bộ máy thực hiện nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao với cơ chế ổn định về biên chế và tài chính vừa thúc đẩy các tổ chức khoa học tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và xã hội.

Một trong những đề xuất trọng tâm là thành lập các tổ chức tư vấn độc lập, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo cơ chế tự chủ, huy động nguồn lực xã hội và hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường. Những tổ chức này không chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn, phản biện khoa học, dự báo xu thế phát triển mà còn tạo thêm nguồn lực tài chính để củng cố hệ thống KHCN quốc gia.

Tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, Nghị quyết 57 phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.

 Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng

 Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng

Theo ông Dũng, không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền KHCN hiện đại. Nghị quyết 57 thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả. Mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh KHCN hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có.

Với 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức KHCN trên cả nước, VUSTA đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường. Đáng chú ý, ngày càng nhiều doanh nhân kiêm nhà khoa học đã góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp song hành với phát triển quốc gia.

Ông Dũng kiến nghị các bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.

Tin khác

Khoa học - Công nghệ 3 ngày trước
Sáng 8/5, UBND tỉnh Thanh Hóa phát động phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho toàn dân, hướng tới xây dựng công dân số toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số.
Khoa học - Công nghệ 4 ngày trước
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định phát triển KH-CN đường sắt và quy định chi tiết về nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ đối với các dự án đường sắt.
Khoa học - Công nghệ 5 ngày trước
Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội tán thành về quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH-CN-ĐMST, tuy nhiên cần bổ sung quy định để phân biệt với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu.
Khoa học - Công nghệ 6 ngày trước
Thủ tướng yêu cầu tập trung bố trí nguồn lực cho thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Khoa học - Công nghệ 1 tuần trước
Công nghệ máy tính lượng tử đang định hình tương lai của những phát minh đột phá trong khoa học và đời sống, hứa hẹn mang lại những thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực.
đọc nhiều