Thứ bảy, 12/07/2025
  • Click để copy

UNESCO công nhận quần thể Di sản thế giới thứ 9 tại Việt Nam

16:08, 12/07/2025

Mới đây, Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã chính thức công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Văn hóa Thế giới.

Từ ngày 6 – 16/7, tại Paris (Pháp) diễn ra Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO). Trong ngày 11/7 vừa qua, Giáo sư Nikolay Nenov, Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa công nhận quần thể di tích và danh thắng của Việt Nam là Di sản Văn hóa Thế giới.

Như vậy, đây là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận. Đồng thời, quần thể này là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần.

 Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trải dài trên 3 tỉnh, thành phố.

 Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trải dài trên 3 tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, nhờ công lao to lớn của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại.

Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo. Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam.

Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm về tinh thần hòa giải, hòa hợp và hòa bình hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.

 Khu danh thắng Yên Tử đã diễn ra nhiều sự kiện tôn giáo, đặc biệt chuỗi hoạt động cung rước, tôn trí xá lợi Đức Phật thời gian qua.

 Khu danh thắng Yên Tử đã diễn ra nhiều sự kiện tôn giáo, đặc biệt chuỗi hoạt động cung rước, tôn trí xá lợi Đức Phật thời gian qua.

Cũng theo thông tin từ kỳ họp, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới theo các tiêu chí III và VI.

Cụ thể, tiêu chí III: Là sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước, tôn giáo và cộng đồng nhân dân được phát triển từ vùng đất quê hương miền núi Yên Tử, đã tạo ra một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu, định hình bản sắc dân tộc, thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực rộng lớn hơn.

Tiêu chí VI: Phật giáo Trúc Lâm là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách thức một tôn giáo, xuất phát từ nhiều tín ngưỡng, bắt nguồn và phát triển từ quê hương Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục thúc đẩy một quốc gia mạnh mẽ, bảo đảm hòa bình và hợp tác khu vực.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc liên quan trực tiếp đến sự sinh thành và lan tỏa giá trị sáng tạo, nhân văn của Phật giáo Trúc Lâm.

Việc liên tục tổ chức các nghi lễ, lễ hội, hoằng dương Phật pháp và hành hương đến các điểm di tích - cả ở Việt Nam và các tổ chức Phật giáo Trúc Lâm quốc tế - chứng minh sự liên quan toàn cầu bền vững của triết lý nhân sinh, giá trị sống, tinh thần cộng đồng xã hội, sống hài hòa với thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình và lòng nhân ái.

 Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam được công nhận.

 Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam được công nhận.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm hệ thống di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt gồm:

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; Các di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng (Chùa Thanh Mai…) và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống trong khu vực… cùng cảnh quan với hệ thống núi rừng và không gian văn hóa Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ được bảo tồn, bảo vệ lâu dài, bền vững và phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.

theodanviet.vn

Tin khác

Văn hóa doanh nghiệp 2 ngày trước
Bộ VHTT&DL vừa quyết định đưa nghệ thuật chèo tỉnh Bắc Ninh vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Văn hóa doanh nghiệp 4 ngày trước
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 352/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính, Trưởng ban Chỉ đạo triển lãm tại cuộc họp triển khai tổ chức Triển lãm thành tựu đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025).
Văn hóa doanh nghiệp 6 ngày trước
Du lịch Việt 6 tháng đầu năm 2025 đã có những tín hiệu tích cực khi đón hơn 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Văn hóa doanh nghiệp 1 tuần trước
Ngày 4-7, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành Du lịch thành phố đón hơn 22,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu ước đạt gần 118.000 tỷ đồng.
Văn hóa doanh nghiệp 1 tuần trước
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh tình trạng xây dựng công trình không phép tràn lan tại Khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà thuộc Vườn quốc gia Ba Vì.