Thứ năm, 26/12/2024
  • Click để copy

Việt Nam xuất khẩu gạo cao kỷ lục, vượt mốc 8 triệu tấn

07:08, 06/12/2024

Tính đến hết tháng 11, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục là 8,5 triệu tấn và giá trị trên 5,3 tỉ USD, cao hơn cả năm 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 11.2024 ước đạt 700.000 tấn và 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng kể từ đầu năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỉ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng kể từ đầu năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.

 Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt kỷ lục về cả số lượng và giá trị - Ảnh: IT

 Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt kỷ lục về cả số lượng và giá trị - Ảnh: IT

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10.2024, Philippines nhập khẩu 2,91 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Nước này đã nhập khẩu tổng cộng 3,68 triệu tấn gạo trong 10 tháng. Con số này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 là 2,84 triệu tấn và vượt qua tổng lượng gạo nhập khẩu trong cả năm 2023 của Philippines. Những tháng gần đây, lượng gạo nhập khẩu vào Philippines luôn ở mức cao, cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn đang rất lớn.

Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định: "Trong những tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines sẽ tiếp tục tăng cao do tiêu thụ trong nước tăng, trong khi mùa vụ cuối năm của Philippines đã bị thiệt hại bởi thiên tai. Dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong cả năm 2024 sẽ ở mức trên 4 triệu tấn".

Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines tăng 59,1%, thị trường Indonesia tăng 20,2%, thị trường Malaysia tăng 2,2 lần.

Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 71,3%.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 5 tỉ USD. Kết quả này có bởi giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tỷ lệ gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam là 20%, gạo trắng 70%, còn lại là gạo Japonica và nếp.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục cũng phải kể đến việc sản xuất lúa gạo trong nước được mở rộng. Đến nay, diện tích lúa cả nước đã thu hoạch đạt 6.853.800ha, bằng 100,1% so với cùng kỳ. Sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt 42,12 triệu tấn, bằng 101,1% so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha.

Bộ NN-PTNT nhận định, năm 2024, sản xuất lúa cả nước sẽ đạt trên 43 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho thị trường trong nước về làm giống, chế biến, dữ trữ và an ninh lương thực thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Việt Nam có thể xuất khẩu được 9 triệu tấn gạo năm 2024. Đây là kết quả của một quá trình dài ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương bền bỉ thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, tiến tới giảm phát thải bằng Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương triển khai mạnh mẽ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

"Cho đến thời điểm này, 95% giống lúa của Việt Nam là các giống lúa chất lượng cao, 89% sản lượng gạo là gạo chất lượng cao. Nếu Việt Nam thực hiện thành công Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, chắc chắn giá trị của ngành hàng lúa gạo còn tăng cao hơn nữa. Đó chính là lợi thế của quốc gia", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 514 USD/tấn, Thái Lan 502 USD/tấn, Pakistan 452 USD/tấn và Ấn Độ 451 USD/tấn.

Nguồn:1thegioi.vn

Tin khác

Nông nghiệp xanh 4 giờ trước
Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn.
Nông nghiệp xanh 3 ngày trước
Huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) hiện có hơn 57.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, với các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, chè, sầu riêng, dâu tằm và một số loại cây ăn trái khác.
Nông nghiệp xanh 6 ngày trước
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 31.12.2030.
Nông nghiệp xanh 6 ngày trước
Ngày 19/12, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và một số đơn vị tổ chức diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Nông nghiệp xanh 1 tuần trước
Ngày 15/12, Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên thứ 12 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận sâu hơn thị trường có quy mô lên đến 900 tỷ bảng Anh.