Yên Bái: Huyện Văn Chấn xây dựng nông thôn mới, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, du lịch
Là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển sản xuất nông nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn đang tận dụng những lợi thế đó để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện Văn Chấn đã có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới và địa phương đang tiếp tục thực hiện xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao.
Theo kết quả đánh giá, đến tháng 6/2024, huyện Văn Chấn có 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2024, theo kế hoạch toàn huyện phấn đấu có thêm 5 thôn đạt chuẩn thôn NTM. Hiện nay, các xã đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND huyện Văn Chấnphê duyệt.
Trong chương trình xây dựng NTM, địa phương đang tập trung vào 6 chuyên đề trọng tâm gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm; chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 – 2025; chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025; chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Trong 6 tháng đầu năm huyện Văn Chấn đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả các tiêu chí NTM trên địa bàn như: Toàn huyện đã triển khai xây dựng được 20,8km đường giao thông nông thôn, 13 công trình cống thoát nước các loại. Tổng vốn đầu tư cho công tác phát triển giao thông nông thôn 6 tháng đầu năm ước đạt 60.130,38 triệu đồng.
Về thủy lợi, địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp như tưới tiêu, sử dụng nước có kế hoạch, tu sửa, nạo vét các công trình thủy lợi đảm bảo đủ nước cho sản xuất.
Về giáo dục, các đơn vị trên địa bàn tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từ đó đạt được một số kết quả quan trọng như chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông được nâng lên. Đến tháng 6/2024, toàn huyện có 43 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 38 trường chuẩn quốc gia mức độ 1; 6 trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Về văn hóa, địa phương chú trọng quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm các sự kiện và các ngày lễ lớn; nhiều hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức sôi động với các hình thức hấp dẫn, ý nghĩa góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương.
Đến nay, toàn huyện Văn Chấn có 4/24 xã có điểm phục vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông và internet; có 3 đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông duy trì hoạt động ổn định; mạng internet đã phủ sóng đến 100% địa bàn các xã, thị trấn trong huyện.
Cùng với đó, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Ngoài ra, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần ổn định đời sống cho hộ nghèo, gia đình chính sách và dân cư nông thôn.
Khơi dậy tiềm năng, lợi thế trong xây dựng nông thôn mới
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Phạm Thái Sơn, trong 6 tháng cuối năm, địa phương đã triển khai nhiều phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành hiệu quả những mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt theo Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo đối với các xã, thôn dự kiến hoàn thành NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2024, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí chưa đạt.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của chương trình xây dựng NTM năm 2024.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới" nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM, tạo sự lan toả lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội.
Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia lao động, đóng góp ngày công, hiến đất và tài sản trên đất… để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn.
Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học cho người dân; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách của tỉnh … để thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tiếp tục vận động nhân dân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; làm hàng rào xanh tại các nhà văn hoá thôn; xây dựng và sử dụng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn; thu gom và xử lý chất thải rắn đúng quy định; xây dựng và nhân rộng mô hình "Thắp sáng đường quê", các tuyến đường hoa. Thông qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh - sạch - đẹp.
Ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.
Nguồn:danviet.vn