Yên Bái: Thực hiện đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Yên Bái đã công nhận được thêm 12 sản phẩm OCOP 3 sao, đạt 40% kế hoạch.
Qua triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng tham gia, tạo nên hướng đi mới, hiện đại, hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống.
Để hoàn thành mục tiêu trong năm 2024 công nhận được thêm 30 sản phẩm OCOP, thời gian tới tỉnh Yên Bái tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP, xem OCOP như một nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, là động lực mới trong xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn các địa phương xác định sản phẩm lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất để hoàn thiện các sản phẩm và nâng cao chất lượng; tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.
Văn Chấn có 26 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên
Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, huyện Văn Chấn đã có 26 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao.
Gạo nếp tan Tú Lệ là sản phẩm OCOP 4 sao nổi tiếng của huyện Văn Chấn.
Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, hướng dẫn các địa phương xác định sản phẩm lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất để hoàn thiện các sản phẩm và nâng cao chất lượng. Huyện cũng tăng cường mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; tăng cường công tác tuyên truyền đồng thời tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Chương trình đến các xã, thị trấn, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) để các đơn vị đăng ký tham gia.
Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, Văn Chấn đã có 26 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao. Riêng năm 2023, đã có 5 sản phẩm được công nhận, trong đó 3 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao. Hầu hết các sản phẩm được công nhận đều là các sản phẩm đặc sản địa phương như: gạo nếp Tú Lệ, chè Shan Tuyết Suối Giàng, quả tươi có múi, mật ong… Các sản phẩm OCOP đã tạo được uy tín với người tiêu dùng và có mặt tại các siêu thị lớn trên toàn quốc. Phấn đấu đến hết năm 2024, Văn Chấn phấn đấu có thêm 3 sản phẩm được công nhận OCOP.
Mù Cang Chải nâng cấp sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao
Để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản phẩm hàng hoá trên địa bàn, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải chú trọng, quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, theo dõi chương trình cũng như các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP; tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải thăm một gian hàng đặc sản của địa phương
Đẩy mạnh Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2024 cũng như cả giai đoạn 2022 - 2025 được thực hiện có hiệu quả, Mù Cang Chải đã chủ trương xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh tại chỗ cũng như tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các tổ chức, cá nhân người sản xuất khuyến khích đầu tư, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Sản phẩm OCOP huyện Mù Cang Chải được trưng bày quảng bá tại các lễ hội trên địa bàn.
Huyện tiếp tục chỉ đạo lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025 gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường giới thiệu, quảng bá về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá của địa phương. Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chuyên môn chủ động rà soát, hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trong năm 2023 đối với các sản phẩm có tiềm năng, điển hình là 3 sản phẩm: Nấm hương Nậm Khắt, Quả su su non Lao Chải và Gạo Séng cù Hồ Bốn, Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải và Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Khim Nọi (homestay) và nâng cấp sản phẩm Chè Shan tuyết Púng Luông được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao...
Tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2023, sản phẩm đánh giá lại, sản phẩm phân hạng, nâng cấp, huyện đặc biệt chú trọng tới các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP cho đội ngũ cán bộ xã, huyện, nhất là cán bộ trực tiếp phụ trách Chương trình OCOP; hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh cho sản phẩm OCOP; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá tuân thủ quy định, tiêu chuẩn của Nhà nước về quy trình sản xuất, sử dụng bao bì, nhãn hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường”.
Đèo Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” không chỉ tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, có chất lượng, mang lại thương hiệu cho địa phương mà còn tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân trong huyện. Từ đó diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện rõ nét. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tang lên, ước đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng 12,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đến hết năm 2023, toàn huyện có 01 xã đạt 14 tiêu chí, 02 xã đạt 10 tiêu chí, 01 xã đạt 9 tiêu chí, 02 xã đạt 8 tiêu chí, 03 xã đạt 7 tiêu chí, 01 xã đạt 06 tiêu chí, 02 xã đạt 5 tiêu chí và 01 xã đạt 4 tiêu chí. Hiện Mù Cang Chải có 23 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay đã có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp Tỉnh (Trong đó: 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 08 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao); đăng ký 04 sản phẩm OCOP có gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc lên sàn thương mại điện tử. Triển khai 12 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (7 dự án chăn nuôi và 5 dự án trồng cây ăn quả ôn đới).
Cùng với phát triển 3 sản phẩm đặc sản là: Nấm Hương Nậm Khắt, quả Su Su non Lao Chải và Gạo Séng cù Hồ Bốn đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh mới; đánh giá lại 2 sản phẩm và nâng cấp sản phẩm chè Shan tuyết Púng Luông từ 3 sao lên 4 sao. Mù Cang Chải đã và đang phát huy hiệu quả các sản phẩm chủ lực như: Sơn Tra đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Sơn Tra Mù Cang Chải; Mật ong đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; Gà đen Mông được xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận; ngoài ra còn có các sản phẩm thảo quả; gạo nếp Tan, Séng cù; lợn đen bản địa... không chỉ được tỉnh chứng nhận OCOP 3 sao mà còn được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến tin dùng”.
Với những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để huyện Mù Cang Chải từng bước đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vươn tới thị trường khó tính và được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Ngày càng nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cao./.
Theo nguoiduatin.vn/