Biến phế phẩm nông nghiệp xơ lá dứa thành nguyên liệu dệt sinh thái
Sau hơn 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm xơ lá dứa - một phế phẩm nông nghiệp phổ biến tại Việt Nam - đã được sản xuất đại trà thành tơ, sợi, vải sinh thái.
Từ phế phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu dệt sinh thái
Là cây ăn trái phổ biến ở Đông Nam Á, vải dứa được biết đến khoảng thế kỷ 17 nhưng do giá cả đắt đỏ và làm thủ công số lượng ít nên nó dần bị lãng quên khi vải dệt công nghiệp giá rẻ lên ngôi.
Xu hướng sống xanh đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp Đông Nam Á “tái sinh” vải dứa để ứng dụng rộng rãi vào đời sống đương đại. Gia nhập cuộc đua trở thành nhà sản xuất tiên phong cung cấp đại trà sợi vải dứa, Việt Nam đã thành công và sản xuất quy mô lớn nguyên liệu dệt sinh thái có tên Ananas.
Ananas (theo tên khoa học của dứa) - được bảo hộ thương hiệu bởi Cục sở hữu Trí tuệ Việt Nam.
Yếu tố quyết định thành công của ý tưởng “sản xuất đại trà sợi vải dứa cho người dùng đại chúng” là có thể “bông” được tơ dứa thô bằng máy ở quy mô lớn. Thực tế, nhiều đơn vị khởi nghiệp trong khu vực đã thất bại ở bước này.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp Hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: "Trong bối cảnh ngành dệt may trong nước và thế giới vẫn còn đang thiếu nguyên liệu sản xuất hướng đến thời trang xanh thì Việt Nam đã thành công trong nghiên cứu và sản xuất đại trà, khép kín tơ sợi dứa đủ chất lượng làm vải may mặc. Điều này có tác động rất tích cực đến nhu cầu và sự phát triển ngành dệt may, không chỉ trong biên giới Việt Nam".
Theo quy trình, lá dứa được thu hoạch từ các trang trại của nông dân, hợp tác xã các tỉnh Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang và sau đó tiến hành sản xuất “bông” tơ dứa bằng máy do nhà sáng lập, kỹ sư trẻ Đậu Văn Nam sáng chế vào giữa năm 2021.
Theo thông tin từ Ecofa Việt Nam, từ đầu năm 2024, 18 tấn tơ dứa (pineapple cottonized fiber) từ hơn 1 triệu tấn lá dứa thu hoạch mỗi tháng. Dự kiến, sản lượng sẽ tăng 50 tấn/ tháng vào cuối 2025.
Là sự kết nối giữa ngành nông nghiệp trồng dứa Việt Nam và xu thế thời trang xanh toàn cầu
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh việc sản phẩm nguyên liệu dệt sinh thái Ananas đại trà và quy mô lớn đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự kết nối giữa ngành nông nghiệp trồng dứa Việt Nam và xu thế thời trang xanh toàn cầu.
Bên cạnh minh bạch nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, thành quả này còn đem đến các hoạt động lắp ráp chuỗi cung ứng nguyên liệu tích hợp theo chiều dọc. Tơ dứa sẵn sàng kéo sợi và sợi pha trộn tạo ra các sản phẩm sợi và vải dứa Ananas phục vụ ngành dệt, may mặc, thời trang, nội thất...
Ngoài ra, nếu quy mô sản xuất càng lớn sẽ giúp thúc đẩy càng nhiều chỉ số tích cực, như: tạo sinh kế và tăng nguồn thu nhập cho người nông dân, kiểm soát và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường do phế phẩm nông nghiệp Việt Nam, cải thiện sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ hệ vi sinh vật dưới tầng canh tác, và đặc biệt, góp phần xây dựng mạng lưới kinh tế tuần hoàn địa phương…
Vải sinh thái từ dứa được Viện Nghiên cứu Dệt may TP.HCM (VTRSI-TTC) và Tổ chức Kiểm tra và phân tích kỹ thuật Nissenken (Nhật Bản) chứng nhận 4 tính năng vượt trội: Độ bền vải, khử mùi tự nhiên trên sợi, Kháng khuẩn tự nhiên trên sợi, Chống UV tự nhiên trên tơ lên đến 50+UPF.
Nguồn:Nhật Hạ/1thegioi.vn