Bộ trưởng Nội vụ nói rất sốt ruột vì số lượng lãnh đạo cấp xã nhiều
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nếu thiết kế tổ chức bộ máy thì lãnh đạo phải kiêm nhiệm, mục tiêu là phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nếu thiết kế tổ chức bộ máy thì lãnh đạo phải kiêm nhiệm, mục tiêu là phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi.vn
Ngày 28.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, khắc phục triệt để sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương.
Các quy định tại dự thảo cũng tập trung vào vấn đề giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính từ trung ương đến cấp xã; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Nêu quan điểm thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội - đồng tình với việc sửa đổi căn bản, toàn diện dự án luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp và Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo Luật như: Quy định về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp xã.
Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp xã bảo đảm phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương và chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy… cũng cần được làm rõ.
Ông Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề, có nên quy định HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hay không?.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho rằng, nên quy định lấy phiếu tín nhiệm ở cấp xã vì không còn tổ chức cấp huyện; hơn nữa cấp xã trực tiếp, sát với dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình cho rằng, việc HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu “chỉ có tốt”. Tuy nhiên, Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, quy định của Bộ Chính trị không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh tại HĐND, UBND cấp xã.
Tuy nhiên, hiện nay địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của cấp xã mới rất khác. Do đó, ban soạn thảo tiếp thu ý kiến để điều chỉnh theo hướng thực hiện sau khi có ý kiến của cấp thẩm quyền.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý việc quy định tổ chức bộ máy cấp xã. Theo quy định, biên chế cấp xã tối đa là 32 người mà lại tổ chức thành nhiều phòng, mỗi phòng lại có 2 lãnh đạo gồm trưởng, phó phòng, như vậy có hợp lý?.
“Cán bộ xã phải như con dao pha, làm được nhiều việc, giờ chia ra người nào làm việc nấy thì có khi dẫn đến khó huy động lực lượng tổng thể, nhất là khi đột xuất, cấp bách” - ông Định nêu quan điểm.
Về tổ chức bộ máy cấp xã, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin, theo dự kiến, số lãnh đạo cấp xã chiếm tỉ lệ trên 1/3. Ví như có 7 phòng thì thuần túy có 14 lãnh đạo phòng, chưa kể lãnh đạo bên đảng, chính quyền.
“Cộng lại sẽ rất nhiều nên chúng tôi rất sốt ruột. Đây là cấp chính quyền hoàn chỉnh nên phải có bộ máy. Do đó vận dụng theo hướng linh hoạt, tức địa phương căn cứ quy mô phát triển, dân số… để có thể bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương, hoặc theo vị trí việc làm" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ bày tỏ.
Nhấn mạnh Chính phủ sẽ phải hướng dẫn chi tiết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nếu thiết kế tổ chức bộ máy thì lãnh đạo phải kiêm nhiệm, mục tiêu là phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.