Đánh thức tiềm năng nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam đang từng bước phát triển với diện tích canh tác mở rộng và sự quan tâm từ doanh nghiệp, người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tạo đột phá, cần chiến lược quốc gia rõ ràng, chuỗi liên kết hiệu quả và hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ.

Những năm gần đây, tại Việt Nam, diện tích canh tác hữu cơ không ngừng được mở rộng.
Nông nghiệp hữu cơ giữa kỳ vọng và thách thức hiện hữu
Trong bức tranh phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp hữu cơ đang từng bước khẳng định vai trò là một hướng đi bền vững. Những năm gần đây, tại Việt Nam, diện tích canh tác hữu cơ không ngừng được mở rộng, đạt gần 175.000 ha – chiếm khoảng 1,41% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cả nước. Các hợp tác xã, doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ vẫn còn khá khiêm tốn – chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 1,46% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản. Sự phát triển giữa các vùng miền chưa đồng đều, chuỗi giá trị liên kết còn lỏng lẻo, trong khi hệ thống chứng nhận chất lượng còn thiếu đồng bộ và nhất quán.
Theo ông Trương Xuân Sinh - Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và dịch vụ chất lượng (RETAQ) thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhận định rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, trái cây nhiệt đới và thủy sản đều có tiềm năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, theo ông, sản xuất vẫn còn manh mún, kỹ thuật canh tác chưa đồng đều, chi phí cao trong khi đầu ra chưa ổn định, và các chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn còn phân tán, thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư lâu dài.
Một ví dụ cụ thể được ông Sinh chia sẻ là một doanh nghiệp chè tại Sơn La. Dù mô hình chè hữu cơ 3 ha của doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, năng suất và chất lượng đều cao, giá bán tốt, nhưng khi muốn mở rộng vùng nguyên liệu, họ lại gặp khó khăn do địa phương chưa có quy hoạch sản xuất hữu cơ phù hợp.
Cần chiến lược tổng thể và chuỗi liên kết đồng bộ.
Để tháo gỡ những nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ, các chuyên gia cho rằng cần một chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia. Trong đó, việc quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương là nền tảng cốt lõi. Đồng thời, cần hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch; đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; và đặc biệt là thúc đẩy chuỗi liên kết bền chặt giữa nông dân, doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ.

Việc quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái từng địa phương là nền tảng cốt lõi.
Theo ông Trương Xuân Sinh, tổ chức sản xuất theo vùng quy mô lớn không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách giá giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm thông thường. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ cần được gắn với xây dựng thương hiệu, chuyển đổi xanh, phát triển du lịch sinh thái… để tạo ra giá trị gia tăng và sự ổn định lâu dài. Việc nâng cao nhận thức cho người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng là một mắt xích quan trọng để hoàn thiện hệ sinh thái hữu cơ.
Kinh nghiệm từ Đan Mạch – quốc gia đi đầu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ – cho thấy, thành công bắt nguồn từ việc áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt xuyên suốt chuỗi giá trị, từ trang trại đến bàn ăn. Mỗi sản phẩm hữu cơ chỉ được cấp nhãn khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và vượt qua hệ thống kiểm tra chặt chẽ, bao gồm cả kiểm tra định kỳ lẫn đột xuất từ cơ quan chức năng. Chính nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi giá trị, Đan Mạch không chỉ đẩy mạnh tiêu dùng nội địa mà còn trở thành nhà cung cấp uy tín thực phẩm hữu cơ cho người tiêu dùng toàn cầu.
Để nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần sự phối hợp đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến thực tiễn sản xuất và tiêu dùng. Khi tất cả các mắt xích trong chuỗi giá trị vận hành nhịp nhàng, hệ sinh thái hữu cơ sẽ có cơ hội phát triển vững chắc, tạo ra giá trị thực chất cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
nguonthuonghieusanpham