500ha đất nông nghiệp sát sông sẽ giúp TP.HCM phát triển mạnh logistics, công nghiệp chế biến tinh
Dự kiến Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3 với quy mô lên tới 500ha sẽ góp phần thúc đẩy vốn vào TP.HCM, nhất là ngành logistics cảng biển, chế biến tinh lương thực – thực phẩm.
Theo quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) TP.HCM thời kỳ 2021-2030 do HEPZA (Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp tại thành phố) mới công bố, TP.HCM dự kiến sẽ xây dựng KCN Hiệp Phước giai đoạn 3, gọi tắt là Hiệp Phước 3, ở Nhà Bè trong giai đoạn 2027-2030.

Với diện tích dự kiến 500ha, hiện trạng của khu vực được quy hoạch cho giai đoạn 3 chủ yếu là đất canh tác nông nghiệp và đất kênh rạch, theo HEPZA. Ngành nghề dự kiến thu hút đầu tư là dịch vụ logistics cảng biển, chế biến tinh lương thực – thực phẩm.
Với lợi thế sát hệ thống cảng quốc tế Hiệp Phước trên sông Soài Rạp, khu này đặc biệt phù hợp phát triển logistics cảng biển (kho bãi, trung chuyển hàng hóa) phục vụ xuất nhập khẩu. Hiện nay, cụm cảng quốc tế Hiệp Phước bao gồm Cảng Container Quốc tế Trung tâm Sài Gòn (SPCT), Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước.
Theo định hướng của TP.HCM, 100ha tại KCN Hiệp Phước 3 sẽ được dành phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy các ứng dụng logistics thông minh như Internet vạn vật (IoT) và công nghệ blockchain nhằm tận dụng vị trí gần cảng và các tuyến vành đai được quy hoạch đi qua khu vực này để kết nối liên vùng.
Phần diện tích còn lại với 400ha sẽ ưu tiên cho công nghiệp chế biến tinh lương thực – thực phẩm, ngành ít ô nhiễm, phù hợp với yêu cầu công nghiệp sạch của vùng công nghiệp số 4 (tức huyện Nhà Bè) theo quy hoạch.
Theo kiến giải quy hoạch của HEPZA, định hướng logistics và chế biến tinh lương thực - thực phẩm cho KCN được dựa trên lợi thế cảng biển và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, không gây tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ lân cận.
Về kết nối hạ tầng, khu vực cụm cảng Hiệp Phước đã được kết nối thông suốt với Quận 7 hiện hữu và trung tâm TP.HCM qua đường Nguyễn Hữu Thọ hướng về đại lộ Nguyễn Văn Linh.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18km nối từ quốc lộ 1 ở huyện Bình Chánh, tới nút giao Huỳnh Tấn Phát thuộc quận 7. Đây là tuyến đường "xương sống" lớn nhất phía Nam TP.HCM với 10 làn xe, kết nối với quốc lộ 1, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Khu chế xuất Tân Thuận, cầu Phú Mỹ ra vào cảng container quốc tế Cát Lái (TP.HCM).

Khu chế xuất Tân Thuận tại Quận 7, TP.HCM là tiền đề để ra đời các khu công nghiệp, khu chế xuất khác trên cả nước. Ảnh: T. Tao
Liên quan đến Khu chế xuất Tân Thuận, được thành lập năm 1991 tại Quận 7 với vai trò khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam để làm tiền đề ra đời hàng loạt khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM và cả nước, TP.HCM chuẩn bị chuyển đổi công năng của KCX này.
HEPZA cho biết đơn vị đang phối hợp các công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp để nghiên cứu lập đề án chuyển đổi thí điểm tại 5 khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu (KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước, KCN Tân Bình, KCN Cát Lái, KCN Bình Chiểu) với định hướng chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp sinh thái; khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ; trung tâm logistics.
Theodanviet.vn