Để không rơi vào cảnh 'tự bơi' khi khởi nghiệp nông nghiệp
Khởi nghiệp trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch nếu muốn thành công cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm, chuyên môn để đưa sản phẩm lên một nấc thang mới thay vì chỉ sản xuất, chế biến thông thường.
Thống kê, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Còn tại khu vực kinh tế tập thể, theo Liên minh HTX Việt Nam, cả nước có 32.688 HTX. Trong đó 67,2% các HTX thành lập mới có các sáng lập viên trẻ (độ tuổi 27-40), nhiệt huyết, có kiến thức, trình độ về các lĩnh vực khởi nghiệp, mạnh dạn và sáng tạo trong tiếp cận công nghệ.
Tiêu biểu, HTX nông nghiệp sinh thái công nghệ cao Surako (Bà Rịa- Vũng Tàu), HTX Nông nghiệp và dịch vụ hoa kiểng Labanda (Đồng Tháp)...
Chưa "thuận buồm xuôi gió"
Dù khởi nghiệp bằng mô hình nào thì nhìn chung đều cho thấy tiềm năng về lực lượng lao động trẻ ở Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, đầu tư ở các vùng nông thôn. Lực lượng này ở độ tuổi từ 16-30 đang chiếm 20,9% dân số cả nước (khoảng 21 triệu người).
Tuy nhiên, quá trình khởi nghiệp của nhiều người được đánh giá là còn thiếu tính sáng tạo hoặc gặp không ít rào cản. Anh Nguyễn Sang, Giám đốc chuỗi cửa hàng Vua Đặc Sản, cho biết nếu đi theo con đường phát triển nông đặc sản thì sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về pháp lý: giấy đăng ký kinh doanh, giấy an toàn thực phẩm, giấy công bố sản phẩm… Rất nhiều giấy phép cần hoàn thiện cho hệ thống cửa hàng kinh doanh nông đặc sản mà không phải doanh nghiệp, HTX nào cũng có thể nắm hết được.
Ngay như Luật An toàn thực phẩm yêu cầu các đơn vị khâu sơ chế chế biến phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm. Nhưng không phải đơn vị kinh doanh nào cũng hoàn thiện được khâu này. Có đơn vị không tự công bố chất lượng sản phẩm, có đơn vị làm hồ sơ nhưng sản phẩm vẫn vi phạm về chất bảo quản như hàn the, kim loại nặng…
Một giám đốc HTX trẻ ở Tân Cương, Thái Nguyên cho biết chị đã đầu tư chế biến bột matcha nhưng máy móc hiện nay phần lớn là phải nhập khẩu mới bảo đảm quy trình. Trong khi để xuất khẩu được thì sản phẩm này cũng không dễ cạnh tranh so với matcha được sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Rõ ràng ý tưởng khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh của nhiều bạn trẻ đã có nhưng việc đưa ý tưởng thành hiện thực của nhiều chủ doanh nghiệp, HTX trẻ vẫn không mấy thuận buồm xuôi gió do vướng nhiều lực cản khác nhau.
Hợp tác chọn lọc
Ông Bùi Quang Nguyên, Phòng Thể chế và Phát triển Chuỗi giá trị, Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cho biết khi khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ chỉ thường làm theo kinh nghiệm hoặc thiếu chuyên môn ở những khía cạnh khác nhau như bao bì, an toàn thực phẩm, marketing…
Trong khi những dịch vụ, sản phẩm mà họ làm ra cần sản xuất với quy trình rõ ràng, bảo quản chế biến với công nghệ hiện đại, phù hợp, có áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cụ thể.
Có HTX dù đã thực hiện chế biến để nâng giá trị gia tăng nhưng còn thiếu kỹ năng, chứng nhận liên quan đến yêu cầu thị trường: cơ sở đủ điều kiện ATTP, các giấy chứng nhận trước khi đưa sản phẩm ra thị trường… Có như vậy, sản phẩm mới đủ điều kiện đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối.
Ngay như quy định bao gói sản phẩm, HTX phải đảm bảo thực hiện theo Nghị định 111/2021/ NĐ-CP . Bao bì sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu về đưa thông tin, giá trị dinh dưỡng nhưng nhiều HTX khởi nghiệp chưa đảm bảo điều này. Còn theo quy định tại Điều 5 Thông tư 25/2019/TT, HTX cần đưa thêm các chỉ tiêu về năng lượng, chất béo, natri, chất đạm… trên bao bì thay vì bỏ qua như hiện nay.
Bên cạnh đó, một sản phẩm sơ chế đóng gói ngoài áp dụng khoa học công nghệ sản xuất bảo đảm thì còn liên quan đến logo, chứng nhận về nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa ý, OCOP, mã vạch mới có thể tiêu thụ trên thị trường.
Từ quá trình khởi nghiệp hiện nay, có thể thấy, nhiều bạn trẻ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đầu tư máy móc chế biến nhưng chính họ lại đang thiếu các kỹ năng chuyên sâu về sản xuất, kinh doanh. Việc quản lý mô hình HTX như thế nào để phát huy hiệu quả, có thể vượt qua được những khó khăn do biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, khủng hoảng thừa nông sản, xích mích nội bộ… mới có thể thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, quỹ hỗ trợ, các doanh nghiệp tài trợ dự án.
Theo giới chuyên gia, nhiều bạn trẻ thường kết hợp với nhau để thành lập HTX, doanh nghiệp. Nhưng những người có chung chuyên môn thường hay trùng ý tưởng, dễ dẫn đến xung đột do ai cũng bảo vệ quan điểm của mình. Do vậy, nên khởi nghiệp với những người có chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau sẽ tạo tính bổ sung, hỗ trợ từ đó hạn chế được lỗ hổng trong sản xuất kinh doanh.
Nhà hoạch định Chiến lược Phạm Thanh Tùng cho rằng các lĩnh vực như du lịch nông nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp… muốn phát triển được còn liên quan rất nhiều khía cạnh khác như pháp lý về đất đai, sở hữu trí tuệ, marketing, thiết kế vườn, thiết kế khu du lịch… Do đó, nếu có từng người có chuyên môn ở trong mỗi lĩnh vực kết hợp với nhau để cùng phát triển thì sẽ rất tốt.
Nếu không có được điều này, việc tiếp cận với những nhà chuyên môn, những chuyên gia… ở từng lĩnh vực là điều cần thiết. Bởi muốn phát triển một khu du lịch, HTX có người có chuyên môn tư vấn, thiết kế dù ban đầu tốn khoản chi phí khoảng 10-30% tổng số vốn ban đầu nhưng giá trị mang về sẽ hiệu quả hơn.
Cụ thể như việc thiết kế một farmstay làm sao để khách có được trải nghiệm hoàn hảo thì không thể để họ nhìn thấy và va chạm với quá trình “hậu cần”: như nấu ăn, thu gom rác thải… Hay nếu HTX tự thiết kế farm tuy không tốn nhiều chi phí nhưng có thể làm vướng tầm nhìn, không tận dụng được view đẹp của một mảnh đất vốn có tiềm năng.
Ông Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, nhiều bạn trẻ hiện cũng lựa chọn mô hình HTX để khởi nghiệp nhưng hiểu đúng về mô hình này để vận dụng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, quản trị nhân lực thì không phải ai cũng biết vì đây là mô hình đề cao tính tập thể, liên kết. Trong khi nhiều người có cái nhìn chưa thực sự đúng đắn về mô hình HTX nên có ý bài trừ, không ủng hộ mô hình này.
“HTX cũng có hàng loạt ưu điểm mà chúng ta chưa hiểu hết, chưa vận dụng triệt để. Ngay trong thực tế, HTX vẫn có thể phát triển hiệu quả ở khắp mọi nơi. Ngay như việc Nhà nước thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể đã cho thấy đây là mô hình được quan tâm của Đảng và Nhà nước và khuyến khích được phát triển”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Huyền Trang/vnbusiness.vn