Doanh nghiệp gạo "giật gấu vá vai" vì thiếu vốn tín dụng dài hạn
Ngành nông nghiệp tại ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên nên các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay.
Ngày 18-11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững".
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết ĐBSCL là vựa lúa gạo, thủy sản, trái cây nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển ngành hàng nông sản chủ lực ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Ngành nông nghiệp trong vùng phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thiên nhiên nên có nhiều rủi ro làm các tổ chức tín dụng e ngại khi cho vay. Phần lớn nông hộ ở ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ, làm cho việc áp dụng công nghệ và quản lý trở nên khó khăn. Điều này khiến các ngân hàng khó kiểm soát và khó đánh giá chính xác về rủi ro tín dụng.
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho hay thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, đặc biệt là các sản phẩm, ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng.
Tính đến cuối tháng 9-2024, tổng dư nợ tín dụng tại khu vực ĐBSCL đạt 1,18 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643.000 tỉ đồng, tăng 7%, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn.
Tuy vậy, công bố của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết kết quả triển khai một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được như kỳ vọng.
Đơn cử như việc cho vay không có tài sản bảo đảm mới chiếm khoảng 20% dư nợ nông nghiệp nông thôn; tài sản bảo đảm khoản vay là đất nông nghiệp có giá trị thấp, công trình xây dựng trên đất chậm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, khó định giá - vẫn là vướng mắc lớn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng trong chuỗi lúa, gạo, vốn vay dài hạn (từ 7-10 năm) để xây dựng và lắp đặt máy sấy lúa, silo, cơ giới hóa đồng bộ, xay xát… bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư. Không đầu tư thì không hoạt động, sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo được.
"Khi không vay được vốn dài hạn mà các doanh nghiệp vẫn hoạt động, đấy là các doanh nghiệp phải "giật gấu vá vai", lấy vốn ngắn hạn chuyển qua đầu tư dài hạn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gạo không tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ" – ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, vốn ngắn hạn thì các ngân hàng cũng đã cho doanh nghiệp vay để thực hiện các hợp đồng mua bán và xuất khẩu gạo từ nhiều năm nay rồi, nhưng ở dạng cho vay phần ngọn, chưa đầy đủ.
Đây cũng chính là nguyên nhân làm lúa, gạo Việt Nam đứng nhất, nhì thế giới nhưng giá trị luôn thấp, sản xuất và tiêu thụ bấp bênh, doanh nghiệp cạnh tranh nhau "bóp bụng" hạ giá gạo xuống thấp để bán lấy tiền đáo hạn ngân hàng khi đến hạn.
Nguồn:nld.com.vn