Gỡ “điểm nghẽn” về thuế phân bón để hỗ trợ nông nghiệp bền vững
Dù Luật Thuế 71/2014 đã đặt ra mục tiêu giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, nhưng sau gần một thập kỷ áp dụng, chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho phân bón lại mang đến nhiều bất cập.
Nhiều chuyên gia nhận định, chính sách này không chỉ khiến giá phân bón nội địa tăng cao mà còn làm các doanh nghiệp phân bón trong nước yếu thế trước hàng nhập khẩu.
Diễn biến thực tế không như kỳ vọng
Chính sách miễn thuế GTGT cho phân bón ra đời với mục tiêu giảm chi phí đầu vào cho nông dân, nhưng những diễn biến trên thực tế lại không như kỳ vọng. Bản chất của thuế GTGT là loại thuế gián thu, đánh trên giá trị gia tăng qua mỗi khâu sản xuất và được khấu trừ liên hoàn. Khi phân bón không phải chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng lên. Điều này buộc các doanh nghiệp phải cộng chi phí không được khấu trừ vào giá bán, khiến giá phân bón nội địa trở nên cao hơn.
Ông Lê Anh Tuấn, Kế toán trưởng Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chia sẻ, doanh nghiệp đang chịu gánh nặng chi phí thuế lên tới 250 tỷ đồng mỗi năm. Điều này đã hạn chế khả năng cạnh tranh của Đạm Hà Bắc, buộc doanh nghiệp phải giữ giá bán thấp để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu nhưng lại không được khấu trừ thuế đầu vào. Kết quả là các doanh nghiệp nội địa không dám đầu tư thêm vì toàn bộ chi phí thuế GTGT không được hoàn, khiến tổng mức đầu tư đội lên rất nhiều.
Chính sách miễn thuế GTGT phân bón vô tình đã khiến doanh nghiệp nội địa gặp khó, còn giá phân bón bán ra lại không giảm như kỳ vọng. Ông Nguyễn Tuấn Hồng - Giám đốc HTX Bắc Hồng nhận định: “Từ khi áp dụng Luật Thuế 71, giá phân bón đã tăng 30%”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hồng, trước năm 2014, chi phí phân bón cho mỗi sào ruộng chỉ khoảng 300.000 đồng, nhưng sau đó tăng lên gần 500.000 đồng, chiếm một phần đáng kể trong chi phí sản xuất và lợi nhuận của nông dân...
Giá phân bón tăng cao khiến nông dân phải tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ hơn để tiết giảm chi phí, mở ra cơ hội cho phân bón giả, kém chất lượng tràn lan.
Ông Nguyễn Tuấn Hồng chia sẻ, nhiều nông dân khi gặp khó khăn về chi phí đã chọn các sản phẩm giá rẻ, dẫn đến việc nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý này để bán các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là phân bón giả. Điều này không chỉ gây hại cho cây trồng mà còn ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản.
Chia sẻ về quan điểm này, bà Võ Lâm Quế - một hộ trồng sầu riêng tại Đắk Lắk cho biết: “Chi phí phân bón cho vườn sầu riêng của tôi rất lớn, nhưng tôi vẫn phải chọn các loại phân nhập khẩu vì giá thành rẻ hơn”.
Dù biết phân bón nhập khẩu có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất đất, nhưng với bà Quế, chi phí trước mắt vẫn là ưu tiên, đặc biệt khi giá phân bón trong nước cao hơn phân bón nhập khẩu đến 5 - 10%.
Là người nhiều năm tham gia xây dựng chính sách thuế, theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, sau quá trình thực hiện Luật số 71/2014/QH13 (từ năm 2015 đến nay), thực tiễn vận động của nền kinh tế đã có tác động bất lợi đối với cả ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn tới không đạt được kỳ vọng như mục tiêu định hướng do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Ngân sách nhà nước (NSNN) đã mất đi số thu thuế GTGT khâu nhập khẩu, ước tính mỗi năm mất thu khoảng trên 1.000 tỷ đồng do phân bón nhập khẩu áp dụng thống nhất như hàng sản xuất trong nước theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thứ hai, giá bán phân bón trong nước bị tăng lên do toàn bộ số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành và đẩy giá bán tăng lên. Thứ ba, gắn liền với việc mất thu NSNN khâu nhập khẩu, còn tạo ra nhiều khó khăn, bất lợi cho ngành công nghiệp sản xuất phân bón trong nước, bởi vì phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT mà còn được nước xuất khẩu hoàn lại thuế (ví dụ Trung Quốc 17%, Nga 22%).
Chính vì vậy, ông Phụng cho rằng, thực tiễn đã có nhiều phản ánh cho thấy khi phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế GTGT thì Việt Nam chúng ta bị thua thiệt cả ba nhà: Nhà nước bị mất thu NSNN mà vẫn không thể thực hiện được cơ chế hỗ trợ hợp pháp cho nông nghiệp để giảm giá bán trong nước khi giá phân bón thế giới tăng; nhà nông không được hưởng lợi giảm giá, giảm chi phí đầu vào cho trong dù giá phân bón tăng hay giảm do doanh nghiệp phải hạch toán thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đưa vào giá thành, cộng vào giá bán để bảo toàn vốn; nhà sản xuất phân bón trong nước luôn bị yếu thế trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu trong cả 2 trường hợp phân bón thế giới tăng và giảm bởi phân bón nhập khẩu luôn bám sát theo giá sản xuất trong nước, khi bị giảm giá bán theo chính sách bình ổn giá thì doanh nghiệp chịu phần thua thiệt, không được Nhà nước chia sẻ qua hoàn thuế, giảm thuế.
Hai cơ chế giá và những bất cập
Một trong những bất cập lớn của chính sách thuế hiện hành là tạo ra hai cơ chế giá cho cùng một mặt hàng. Theo phân tích của Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C. Nguyễn Văn Thứ, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp phải chịu thuế khi mua phân bón, trong khi nông dân lại mua với giá không có thuế. Điều này dẫn đến sự không đồng nhất trong chính sách thuế, người nông dân phải chịu thiệt.
Khi giá phân bón được điều chỉnh theo thị trường nhập khẩu và không có thuế GTGT, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải gánh chịu thêm chi phí và không thể khấu trừ thuế, dẫn đến giá phân bón trong nước cao hơn. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu không chỉ không chịu thuế GTGT mà còn được các nước xuất khẩu hoàn thuế. Điều này khiến hàng nhập khẩu dễ dàng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.
Trước thực trạng này, giới chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đề xuất giải pháp đưa phân bón trở lại diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nội địa khấu trừ thuế đầu vào, giảm giá thành sản phẩm mà còn tạo sự công bằng trong chính sách thuế giữa phân bón nội địa và phân bón nhập khẩu.
Theo TS. Phùng Hà - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam: “Việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất nội địa tiết kiệm chi phí và hạ giá thành, từ đó người nông dân cũng được hưởng lợi khi giá bán lẻ phân bón giảm”.
Với thuế suất 5%, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất và tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng phân bón, TS. Phùng Hà tin tưởng.
Ngoài ra, việc áp thuế GTGT với phân bón cũng giúp Nhà nước tăng thu ngân sách từ các mặt hàng nhập khẩu, tạo nguồn lực để hỗ trợ các chính sách nông nghiệp khác. Bằng cách tạo ra một chính sách thuế đồng nhất, Nhà nước có thể đảm bảo tính công bằng giữa các doanh nghiệp nội địa và quốc tế, đồng thời giúp kiểm soát chất lượng phân bón nhập khẩu.
Cần một hệ sinh thái hỗ trợ người nông dân
Ngoài việc điều chỉnh thuế, ông Nguyễn Văn Thành, một nông dân ở An Giang cho rằng, Nhà nước cũng nên triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân về phân bón và công nghệ sản xuất. “Giá phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất, nếu Nhà nước có thể hỗ trợ chúng tôi giảm giá thành đầu vào, nhiều nông dân sẽ yên tâm sản xuất hơn,” ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Tuấn Hồng cũng nhấn mạnh rằng, ngoài thuế, các doanh nghiệp phân bón cần có các chương trình hỗ trợ nông dân để họ có thể tiếp cận với phân bón chất lượng cao, giúp tăng năng suất cây trồng và giảm rủi ro. Trước đây, nhiều doanh nghiệp có các chương trình hỗ trợ giá bán cho nông dân, nhưng từ sau năm 2014, các chương trình này đã giảm dần vì chi phí tăng cao.
Tại các quốc gia như Trung Quốc và Thái Lan, thị trường phân bón được quản lý gắn liền với thị trường tài chính hàng hóa, giúp kiểm soát tốt hơn giá cả và chất lượng phân bón. Các quốc gia này đã áp dụng hệ thống thuế và sàn giao dịch phân bón để giúp nông dân không phải tích trữ nhiều phân bón, giảm thiểu rủi ro từ thị trường chợ đen.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong việc kết hợp thị trường tài chính và phân bón, đảm bảo giá cả và chất lượng phân bón đồng đều, minh bạch hơn. Việc mở sàn giao dịch phân bón sẽ giúp Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn các giao dịch, ngăn ngừa tình trạng buôn lậu và phân bón giả trên thị trường.
Nhìn chung, việc áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho nông dân và ngành nông nghiệp. Đây là giải pháp không chỉ giúp giảm giá phân bón trong nước mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó cạnh tranh tốt hơn với hàng nhập khẩu.
Để thị trường phân bón Việt Nam phát triển bền vững, Nhà nước cần nhanh chóng xem xét và điều chỉnh lại chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón. Điều này không chỉ bảo đảm sự công bằng giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu mà còn giúp tạo ra động lực cho các doanh nghiệp phân bón nội địa trong việc đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việc đưa phân bón trở lại diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp nội địa, từ đó hạ giá thành sản phẩm, mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Nếu giá phân bón trong nước giảm, nông dân sẽ được hưởng lợi thông qua giá thành đầu vào thấp hơn, góp phần cải thiện lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp.
Còn theo ông Phụng, "kiên trì thực hiện nguyên tắc khấu trừ liên hoàn của thuế GTGT, bảo đảm sự bình đẳng giữa các mặt hàng sản xuất trong nước hướng tới mục tiêu lâu dài là thống nhất 1 mức thuế suất thuế GTGT trên 10%. Với những phân tích nêu trên, chúng tôi nhận thấy đưa phân bón về mức thuế suất GTGT 5% là phù hợp. Đồng thời, trong điều hành vĩ mô, xin kiến nghị tiếp tục giữ mặt hàng phân bón trong danh mục bình ổn giá, Nhà nước có thể buộc doanh nghiệp trong nước phải thực hiện giảm giá bán trong nước để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp khi giá phân bón thế giới biến động tăng. Việc chia sẻ của Nhà nước với nông nghiệp và công nghiệp phân bón trong nước thông qua cơ chế hoàn thuế GTGT khi thuế GTGT đầu vào vượt quá mức thuế đầu ra 5% có tính khả thi cao vì nguồn hoàn thuế được cân đối ngay từ nguồn thu thuế GTGT từ phân bón nhập khẩu và không tác động đến các cân đối khác. Hơn nữa, nếu chính sách thuế được điều chỉnh đúng hướng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ có thêm động lực để đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Với các loại phân bón hiệu quả cao, thân thiện với môi trường như phân đạm giải phóng chậm hay phân bón kiểm soát dinh dưỡng, người nông dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ đất đai canh tác lâu dài".
Tuy nhiên, để chính sách thuế GTGT cho phân bón thực sự mang lại hiệu quả, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ trong khâu kiểm tra, giám sát chất lượng phân bón trên thị trường, nhất là việc ngăn chặn tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Việc kết hợp chính sách thuế với các biện pháp kiểm soát chất lượng sẽ tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất và bảo vệ chất lượng nông sản Việt. Hơn nữa, với đặc thù là một quốc gia nông nghiệp, việc bảo đảm nguồn cung phân bón chất lượng với giá hợp lý sẽ là chìa khóa để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Từ tất cả các phân tích trên, có thể thấy rằng, điều chỉnh thuế GTGT cho phân bón không chỉ là một biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hay nông dân, mà còn là một chính sách chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững toàn ngành nông nghiệp trong dài hạn. Việc áp thuế 5% đối với phân bón sẽ đem lại nhiều lợi ích tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho nền nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn trong tương lai.
Nguồn:dangcongsan.vn