Đưa làng nghề Hà Nội thành điểm đến du lịch độc đáo
Sản phẩm làng nghề không chỉ là tài nguyên quý giá, mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững, góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch độc đáo cho từng vùng miền.
Tiềm năng sẵn có
Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống qua hơn 2.000 làng nghề, mỗi làng nghề như một "bảo tàng sống", lưu giữ tinh hoa văn hóa dân tộc qua nhiều thế hệ.
Những cái tên như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ hay mây tre đan Phú Vinh,... không còn xa lạ, nhưng điều làm nên sức sống vượt thời gian của các làng nghề này chính là sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật, tâm huyết và bản sắc Việt.
Không dừng lại ở việc chiêm ngưỡng sản phẩm, làng nghề Hà Nội còn mang đến những trải nghiệm độc đáo cho du khách. Tại làng gốm Bát Tràng, chị Thu Thảo - một du khách từ Tuyên Quang lần đầu tiên được tự tay nặn gốm trên bàn xoay.
“Tôi đã nghe rất nhiều về làng gốm qua sách vở, mạng xã hội và đây cũng là lần đầu tôi đến làng gốm Bát Tràng. Khi được trực tiếp trải nghiệm, tôi mới thực sự cảm nhận được sự kỳ công và tinh xảo trong từng công đoạn của nghề.
Đây quả thực là một trải nghiệm rất đặc biệt và chắc chắn lần tới khi xuống Hà Nội, tôi sẽ dẫn bạn bè và gia đình đến đây để cùng tạo ra những sản phẩm do chính tay mình làm ra", chị Thảo chia sẻ với Người Đưa Tin.
Là nghệ nhân gắn bó với nghề gốm hơn 40 năm, ông Phùng Quang Đăng cho hay: "Chúng tôi hiểu rằng không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm nghề gốm, vì vậy việc cho phép du khách, dù là trẻ nhỏ hay người lớn, tự tay tạo ra món quà lưu niệm từ đất sét chính là cách chúng tôi gìn giữ và truyền tải nghề truyền thống này.
Mỗi sản phẩm, dù đơn giản hay tinh xảo, đều mang trong đó sự đam mê và tâm huyết của chúng tôi".
Khi được hỏi về ý nghĩa của nghề gốm trong đời sống hiện đại, nghệ nhân Đăng chia sẻ: “Gốm không chỉ là một nghề thủ công. Nó là phần hồn của văn hóa Việt Nam, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Chúng tôi luôn cố gắng giữ nghề, không chỉ vì tình yêu với gốm mà còn vì sự trân trọng những giá trị văn hóa mà nghề này mang lại".
Làng gốm Bát Tràng từ lâu đã khẳng định vị thế là một trong những điểm đến du lịch nổi bật của miền Bắc, thu hút không chỉ du khách Việt mà cả bạn bè quốc tế. Với hơn 200 doanh nghiệp, 1.000 gia đình sản xuất và đội ngũ hơn 140 nghệ nhân cùng hàng ngàn thợ giỏi, Bát Tràng trở thành một không gian sống động, nơi văn hóa và kỹ thuật gốm sứ được bảo tồn và phát triển.
Trong những năm gần đây, du lịch Bát Tràng càng trở nên hấp dẫn nhờ sự ra đời của Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt – biểu tượng lưu giữ và tôn vinh truyền thống gốm sứ. Lấy cảm hứng từ bàn xoay đất sét - hình ảnh quen thuộc trong nghề gốm, kiến trúc trung tâm vừa hiện đại, vừa đậm chất truyền thống.
Tại đây, du khách không chỉ chiêm ngưỡng không gian Bát Tràng xưa và nay mà còn khám phá câu chuyện đầy ý nghĩa đằng sau từng hiện vật, từng tác phẩm do các nghệ nhân tuyển chọn.
Cùng với Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) cũng đang vươn mình trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích văn hóa và trải nghiệm. Hiện có khoảng 300 hộ gia đình chuyên dệt và kinh doanh lụa tơ tằm, làng nghề này đã khai thác khéo léo tiềm năng du lịch bằng cách xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ.
Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ và các loại hình lưu trú, mua sắm đều được phát triển, mang đến một bức tranh sống động về văn hóa và du lịch.
Mỗi làng nghề truyền thống tại Hà Nội đều mang trong mình giá trị văn hóa độc đáo, là minh chứng sống động cho lịch sử và bản sắc địa phương. Du khách tìm đến làng nghề không chỉ để chiêm ngưỡng sản phẩm mà còn để hiểu về hành trình tạo ra chúng, những câu chuyện đời sống gắn bó với nghề.
Tuy nhiên, để các làng nghề của Hà Nội thực sự trở thành những điểm đến hấp dẫn và bền vững, vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt.
Bà Tạ Việt Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HalalTrip Việt Nam thẳng thắn chia sẻ: “Cơ sở hạ tầng tại nhiều làng nghề chưa đáp ứng được nhu cầu du lịch. Việc thiếu bãi đỗ xe, hệ thống lưu trú đạt chuẩn, hay các dịch vụ ăn uống chất lượng cao đang ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm của du khách”.
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề cũng là bài toán nan giải. Trong khi những làng nghề như Bát Tràng hay Vạn Phúc ít gây tác động tiêu cực đến môi trường, nhiều làng nghề khác lại đang phải chật vật với việc xử lý chất thải, làm mất mỹ quan và đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Một thách thức khác là cảnh quan của nhiều làng nghề còn đơn điệu, thiếu sự đầu tư về không gian xanh và các điểm nhấn văn hóa.
“Chúng ta cần đồng bộ cải tạo không gian, lắp đặt biển chỉ dẫn khoa học, đồng thời tạo thêm những điểm nhấn văn hóa đặc sắc để thu hút du khách”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bảo tồn di sản, phát triển bền vững
Nhận thức sâu sắc về tiềm năng to lớn cùng những thách thức hiện hữu, Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm văn hóa sáng tạo bằng cách phát huy giá trị các làng nghề truyền thống.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, thành phố còn mạnh dạn đổi mới, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, kết hợp giữa di sản văn hóa và trải nghiệm hiện đại. Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, nhấn mạnh:
“Hà Nội đã triển khai chương trình 04 với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, làng nghề là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Chúng tôi cũng đang chú trọng quy hoạch làng nghề, đảm bảo tích hợp được các yếu tố sản xuất, kinh doanh và du lịch vào cùng một không gian văn hóa”, ông Chí nói.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở Du lịch Hà Nội đã xây dựng các tuyến du lịch kết nối giữa làng nghề với trung tâm thành phố và các huyện ngoại thành.
Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhấn mạnh rằng phát triển du lịch làng nghề không chỉ dừng lại ở việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Theo ông, điều quan trọng hơn cả là bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho người dân địa phương, giúp họ trở thành những "đại sứ văn hóa" thực thụ.
Nghệ nhân Hà Thị Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, bày tỏ kỳ vọng: “Làng nghề không những là nguồn thu nhập, mà còn là nơi giữ gìn lửa nghề, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ, để văn hóa được bảo tồn và phát triển một cách bền vững”.
Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng từ 3-5 điểm du lịch làng nghề mới, Hà Nội đã tập trung phát triển các sản phẩm trải nghiệm đa dạng như làm gốm, dệt lụa, hay tạo hình từ mây tre đan. Những hoạt động này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn mang đến cho du khách những kỷ niệm khó quên.
Việc tự tay tạo nên một món quà lưu niệm độc đáo vừa là trải nghiệm thú vị, song còn là hành động tôn vinh di sản, góp phần khơi gợi tình yêu với văn hóa truyền thống Việt Nam.
Mỗi sản phẩm làng nghề đều mang trong mình câu chuyện và tâm huyết của người nghệ nhân – những con người đã gắn bó cả đời mình để giữ gìn từng đường nét, sắc màu của văn hóa dân tộc.
Nhờ đó, Hà Nội không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo mà còn là điểm đến đầy cảm xúc, nơi quá khứ hòa quyện cùng tương lai, chạm đến trái tim của mỗi du khách.
Nguồn:nguoiduatin.vn