Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội xuống 10 năm có làm giảm lương hưu?
Cử tri đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 10 năm được hưởng lương hưu. Người lao động cho rằng, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì lương hưu của người tham gia muộn sẽ thấp.
Cử tri đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 10 năm được hưởng lương hưu. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.
Các cử tri kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó đề nghị quy định giảm số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, thậm chí 10 năm để được hưởng lương hưu, mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Trả lời các vấn đề của cử tri, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết số 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã nêu rõ, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí, theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm, với mức hưởng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp.
Hiện nay, Dự thảo luật bảo hiểm xã hội được Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Từng đi làm công nhân 9 năm sau đó nghỉ việc rồi rút bảo hiểm xã hội 1 lần, đến năm 39 tuổi, chị Phạm Thị Nga (Thanh Hoá) mới xin đi làm trở lại.
Ở độ tuổi gần 40, chị Nga mới bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội, theo quy định hiện hành, lao động phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu, như vậy cơ hội được hưởng chế độ an sinh với nữ công nhân sẽ hẹp hơn.
So với đề xuất giảm xuống còn 15 năm, sau đó là 10 năm, chị Nga cho biết, với những lao động tuổi trung niên tham gia bảo hiểm xã hội muộn như chị sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu về già, không cần rút chế độ một lần.
Chị Nga bày tỏ: "Tôi đồng tình với đề xuất này bởi có lợi với những đối tượng như tôi. Còn đối với những người đang có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội lâu năm thì cũng không ảnh hưởng tới mức hưởng lương hưu. Vì người lao động phải đợi đến tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng càng dài thì mức hưởng càng cao".
Đối với anh Nguyễn Văn Kha (35 tuổi) - công nhân Công ty TNHH Denso Việt Nam (Hà Nội), việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 10 năm cũng sẽ có những cái lợi. Song điều nam công nhân băn khoăn là khi giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì lương hưu của người lao động tham gia muộn sẽ thấp hơn. Bởi mức lương hưu hàng tháng được tính theo công thức: tỉ lệ % hưởng lương hưu x mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm càng nhiều thì tỉ lệ càng cao, tối đa 75%.
Bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho biết, mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ càng cao.
Ngoài lương hưu hằng tháng, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95%.