Thứ năm, 17/07/2025
  • Click để copy

Đô thị thông minh: Phương thức để phát triển kinh tế số và kinh tế đô thị

07:32, 17/07/2025

Chiều 16/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp đầu tiên của Tổ công tác liên ngành điều phối xây dựng, triển khai đồng bộ đô thị thông minh.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Đô thị thông minh là phương thức để phát triển kinh tế số và kinh tế đô thị - Ảnh: VGP/Thu Sa

 Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Đô thị thông minh là phương thức để phát triển kinh tế số và kinh tế đô thị - Ảnh: VGP/Thu Sa

Tại buổi làm việc, Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành điều phối xây dựng, triển khai đồng bộ đô thị thông minh đã được công bố. Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Tổ công tác đã nghe các báo cáo cụ thể và các ý kiến thảo luận từ Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố, các tập đoàn công nghệ… về phát triển đô thị thông minh.

Đồng thời, các thành viên Tổ công tác cũng thảo luận về dự thảo Quy chế hoạt động của Tổ; kế hoạch hoạt động trong quý III, IV; dự thảo Báo cáo tổng kết Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950); công tác xây dựng nghị định về phát triển đô thị thông minh.

Phương thức để phát triển kinh tế số và kinh tế đô thị

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ mới nổi và hệ thống thông minh kết nối diện rộng, đô thị thông minh không còn là lựa chọn mà đã trở thành xu thế tất yếu đối với phát triển đô thị trên thế giới.

"Đô thị thông minh là phương thức để phát triển kinh tế số và kinh tế đô thị", Phó Thủ tướng nhận định.

Việt Nam đã có những bước khởi đầu, một số địa phương xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh của riêng mình, tổ chức thí điểm từng lĩnh vực, đến mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Việc phát triển đô thị thông minh đến nay đã mang đến những lợi ích thiết thực cho toàn xã hội, từ người dân, doanh nghiệp đến Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn về thể chế, nhận thức chung, cơ chế điều phối, về nền tảng dữ liệu, về nguồn lực, về khả năng kết nối và đồng bộ...

Thực trạng này đòi hỏi có sự chung tay, đồng lòng của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương trong công tác điều phối, đôn đốc, chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức triển khai, thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ điểm nghẽn đang tồn tại và định hướng phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới.

 Theo Phó Thủ tướng, để đô thị thông minh thực sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Tổ công tác cần khẩn trương điều phối tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao một cách nghiêm túc, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất - Ảnh: VGP/Thu Sa

 Theo Phó Thủ tướng, để đô thị thông minh thực sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Tổ công tác cần khẩn trương điều phối tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao một cách nghiêm túc, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất - Ảnh: VGP/Thu Sa

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của Bộ Xây dựng, các bộ, địa phương, các thành viên Tổ công tác đối với cuộc họp lần thứ nhất của Tổ.

Phó Thủ tướng đề nghị khẩn trương triển khai hoàn thiện thể chế. Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường soạn thảo nghị định về phát triển đô thị thông minh theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trước 15/8/2025.

Về tổng kết Đề án 950, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị các công tác tổ chức tổng kết, hoàn thành tổ chức hội nghị tổng kết trong tháng 7/2025.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Tổ công tác, nghiên cứu, hoàn thiện Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành, trình Tổ trưởng Tổ công tác trước ngày 20/7 để xem xét, phê duyệt; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất kế hoạch hoạt động của Tổ công tác theo Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành trước ngày 20/7.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các đề án về phát triển đô thị thông minh, về chuyển đổi số, các hoạt động phát triển đô thị thông minh đã và đang triển khai thực hiện tại địa phương mình, khẩn trương chuẩn bị, thực hiện tốt công tác phát triển đô thị phù hợp với tình hình mới.

Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, gửi Tổ công tác trước ngày 25/7.

Các thành viên Tổ công tác chủ động tham gia xây dựng đề xuất chính sách, phản biện khoa học, kết nối chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng, để đô thị thông minh thực sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, các bộ, ngành, địa phương và các đồng chí thành viên Tổ công tác cần khẩn trương điều phối tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao một cách nghiêm túc, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Nhấn mạnh cần một lộ trình triển khai và khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phục vụ cho xây dựng đô thị thông minh, Phó Thủ tướng khẳng định Tổ công tác sẽ đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để công tác phát triển đô thị thông minh được triển khai tích cực.

Tin khác

Khoa học - Công nghệ 1 ngày trước
Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng - giám đốc Công an Hà Nội - cho biết khi triển khai đầy đủ hệ thống camera AI, dự kiến đến ngày 18-12, giao thông Hà Nội sẽ không cần cảnh sát giao thông nữa.
Khoa học - Công nghệ 2 ngày trước
Nghị định 180/2025/NĐ-CP mở rộng hình thức hợp tác công - tư (PPP), đơn giản hóa thủ tục, ưu đãi vốn và thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Khoa học - Công nghệ 2 ngày trước
Để xu hướng ‘xanh hóa’ ngành công nghiệp hóa chất được phát triển, cần coi việc ứng dụng khoa học công nghệ như một động lực chính.
Khoa học - Công nghệ 6 ngày trước
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay với cán bộ công nghệ thông tin cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ cần có cơ chế đặc thù như hưởng 200% lương mới giữ được chân.
Khoa học - Công nghệ 6 ngày trước
Chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành phố Hà Nội phê duyệt nhằm kích hoạt động lực tăng trưởng giai đoạn 2026–2030.