Thứ hai, 21/04/2025
  • Click để copy

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế

07:27, 21/04/2025

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác, nông nghiệp vẫn còn là ngành nghề khó thu hút đầu tư...

 Thu hoạch rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco. Ảnh: Lệ Quyên

 Thu hoạch rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp WinEco. Ảnh: Lệ Quyên


Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đây là con số khiêm tốn dù nông nghiệp luôn là ngành kinh tế có vai trò “trụ đỡ”. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cũng hạn chế.

Theo khảo sát của Bộ, hiện chỉ khoảng 1-2% doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp).

Dù con số khá khiêm tốn nhưng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng đã tạo những bước chuyển biến khá nhiều.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chia sẻ: Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là những doanh nghiệp sản xuất, liên kết theo chuỗi khép kín để xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng này còn hạn chế so với tổng doanh nghiệp trên các lĩnh vực. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu quỹ đất để tổ chức sản xuất trên quy mô lớn; thiếu vốn để đầu tư; thiếu gắn bó và hỗ trợ của các viện, trường, cơ quan nghiên cứu; thiếu thông tin và nguồn cung cấp công nghệ; thiếu lực lượng chuyên gia tư vấn có năng lực; bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ yếu kém; cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nhất là giao thông, thủy lợi, năng lượng… Ngoài ra, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đặng Kim Sơn cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cần có cơ chế phối hợp, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ; hình thành được các chuỗi giá trị gắn kết thành những hệ sinh thái của các doanh nghiệp “đầu tàu” chịu trách nhiệm chế biến nâng cao giá trị nông sản, đưa hàng hóa ra thị trường.

Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, để doanh nghiệp đồng hành với nông dân, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững; cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp.

“Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt quy định phức tạp và tăng cường sự minh bạch trong quản lý. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành có thể hỗ trợ, cung cấp cho các doanh nghiệp tại địa phương các gói tài trợ, vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu, nhằm giảm bớt rủi ro tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư”, ông Phòng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; nhất là các giải pháp bảo vệ các ngành hàng trước áp lực từ hàng hóa không chính ngạch, nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Cần có thêm các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nông nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về nguồn vốn, tăng cường các gói tín dụng ưu đãi, giúp bà con có nguồn vốn đầu tư vào vùng nguyên liệu. Đặc biệt, khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP), đây sẽ là nền tảng quan trọng để tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Đặc biệt, Nhà nước và các địa phương cần đổi mới căn bản thủ tục, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ để hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao tạo ra các cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, công viên nông nghiệp công nghệ cao…

Hiện nay, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với gần 15% GDP quốc gia. Tuy là ngành có nhiều rủi ro bởi phụ thuộc khá lớn vào thời tiết, khí hậu… song nông nghiệp vẫn luôn là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế nước nhà, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, để ngành này phát huy nguồn lực, cần thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp vào đầu tư nhằm xây dựng ngành kinh tế nông nghiệp xanh, số, tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao đời sống nông dân và khu vực nông thôn.

Nguồn:hanoimoi.vn

Tin khác

Nông nghiệp xanh 1 giây trước
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, so với các ngành nghề khác, nông nghiệp vẫn còn là ngành nghề khó thu hút đầu tư...
Nông nghiệp xanh 1 ngày trước
Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) báo lãi sau thuế 360 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng tới 59% so với cùng kỳ nhờ mảng chuối giữ biên lợi nhuận cao. Doanh thu đạt 1.380 tỷ đồng, trong đó mảng trái cây chiếm tỷ trọng lớn…
Nông nghiệp xanh 2 ngày trước
Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.
Nông nghiệp xanh 6 ngày trước
Quốc hội sẽ quyết nghị về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ đầu năm 2026. Chính sách này sẽ góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp xanh 1 tuần trước
Chính phủ ban hành Nghị định 87/2025/NĐ-CP ngày 11/4/2025 quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024.