Đưa Tây Bắc trở thành vùng sản xuất nông lâm sản hiệu quả, bền vững
Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Để phát triển bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư hạ tầng logistics và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Xuất khẩu 245 triệu USD nông lâm sản
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam, UBND tỉnh Sơn La tổ chức chiều 1/7, bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La cho biết, tổng diện tích cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm toàn tỉnh ước đạt gần 119.898ha.
Tổng sản lượng quả sản xuất tại Sơn La được tiêu thụ qua 3 kênh (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu). Một số sản phẩm quả tươi như xoài, nhãn đã có mặt tại các hệ thống phân phối lớn như: Winmart, Big C, Lotte, Hapro... và được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hưng yên, Thanh Hóa…

Diễn đàn Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản Tây Bắc.
Tại Điện Biên, tổng diện tích cây ăn quả hiện ước đạt 4.045ha. Ngành hàng cây ăn quả bước đầu chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, tạo thành vùng nguyên liệu phục vụ liên kết và chế biến sản phẩm.
Ông Lò Hồng Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Điện Biên cho biết, toàn tỉnh đã hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các nơi: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và TP Điện Biên Phủ, với tổng diện tích cây ăn quả ước đạt 3.000ha.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông lâm sản hàng hóa. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các địa phương, nông nghiệp vùng Tây Bắc đã có bước phát triển khá toàn diện.
Giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu gồm: cà phê hơn 90 triệu USD; chè 22 triệu USD; tinh bột sắn hơn 36 triệu USD; nhãn, xoài khoảng 30 triệu USD; tinh dầu quế khoảng 22 triệu USD…
Tuy nhiên, sản xuất các ngành hàng nông lâm sản Tây Bắc nhìn chung còn phân tán, nhỏ lẻ; liên kết chuỗi chưa bền vững; công nghệ chế biến, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chủ yếu tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu thô…

Một vùng chuyên canh trái na tại tỉnh Sơn La.
7 nhóm giải pháp trọng tâm
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lai Châu Bùi Huy Phương, với địa hình đặc trưng, khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng, Lai Châu là vùng đất lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của các loài dược liệu đặc hữu, đặc biệt là cây sâm.
“Sâm Lai Châu không chỉ là một sản phẩm dược liệu quý mà còn là biểu tượng cho khát vọng phát triển bền vững, nâng cao đời sống của người dân Lai Châu. Tỉnh kêu gọi và mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác đầu tư từ các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để cùng đưa sâm Lai Châu phát triển đúng với tiềm năng vốn có…” - ông Bùi Huy Phương nhấn mạnh.
Diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc” còn ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và hợp tác xã, xoay quanh các vấn đề then chốt như xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh chế biến sâu, ứng dụng chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống logistics, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, những kiến nghị, đề xuất tại Diễn đàn là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phù hợp, đồng thời thúc đẩy sự liên kết hiệu quả giữa các địa phương, doanh nghiệp và người dân. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của khu vực Tây Bắc, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông lâm sản, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững.
Trên tinh thần hành động - hiệu quả - kết nối liên vùng, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ, các cơ quan Trung ương và các tỉnh Tây Bắc tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp. Trọng tâm là tái cơ cấu sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Khẩn trương hoàn thành việc xác định vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực đến cấp xã, theo hướng tập trung, liền vùng, liền thửa, thuận tiện cho cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng và liên kết sản xuất.
Tập trung phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, lấy Sơn La làm hạt nhân kết nối với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, đại lý thu gom.
Mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa đầu ra. Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết nối nông sản Tây Bắc vào chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn công nghiệp, khu du lịch; đưa nông sản vào chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, khu du lịch.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu mở về đất đai, khí hậu, mùa vụ phục vụ dự báo, điều hành sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu giống cây trồng chất lượng cao, rải vụ và thích ứng biến đổi khí hậu. Nhân rộng VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng có lợi thế địa hình và khí hậu như: Mộc Châu, Mai Sơn (Sơn La); Bắc Hà (Lào Cai)…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng giao Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp các đơn vị chức năng liên quan của Bộ cùng các Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tổ chức xúc tiến xuất khẩu tại Trung Quốc, Nhật Bản, EU, UAE… Đồng thời, xây dựng bản đồ thị trường để hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc nói riêng tiêu thụ theo mùa vụ và chủng loại sản phẩm.
“Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ hợp tác xã, đầu tư vào vùng khó khăn, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chế biến tại vùng sâu, vùng xa…”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam