Thứ bảy, 12/07/2025
  • Click để copy

Giá dứa tăng cao, nông dân phấn khởi, doanh nghiệp loay hoay

15:49, 12/07/2025

Dứa vào vụ thu hoạch, giá bán tăng mạnh khiến nhiều nông dân vui mừng vì có lãi cao. Trái ngược với niềm vui ấy là nỗi lo của các doanh nghiệp chế biến khi chi phí đầu vào đội lên, nguồn nguyên liệu khan hiếm, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất và xuất khẩu.

dua-duoc-gia-1752244940.jpg

 Người nông dân phấn khởi khi giá dứa liên tục tăng cao trong những ngày qua (ảnh Ngô Nhung).

Những ngày qua, khắp các đồi dứa ở Thanh Hóa rộn ràng tiếng cười phấn khởi. Năm nay, dứa không chỉ được mùa mà còn được giá, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, giá dứa luôn dao động từ 8.000 – 13.000 đồng/kg, tăng khoảng 25 – 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá cao giúp bà con có lãi, bù đắp cho một năm lao động vất vả.

Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ, nông dân không chỉ kéo dài thời gian thu hoạch mà còn bán được giá cao hơn. Có thời điểm, giá dứa nguyên liệu lên đến 15.000 đồng/kg, giúp người trồng thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm.

Ông Đào Văn Bình, một hộ trồng dứa tại xã Hà Long, (Thanh Hóa) chia sẻ: “Nhờ trồng rải vụ, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch 3 – 4 đợt, thay vì chỉ 1 vụ như trước. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu hoạch hai lứa vào tháng 2 và tháng 5, với giá bán từ 9.000 – 13.000 đồng/kg, thu về 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.”

 Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ, nông dân không chỉ kéo dài thời gian thu hoạch mà còn bán được giá cao hơn

 Nhờ áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ, nông dân không chỉ kéo dài thời gian thu hoạch mà còn bán được giá cao hơn

Trái ngược với tâm lý phấn khởi của người nông dân khi dứa được mùa được giá thì những ông chủ doanh nghiệp chế biến dứa lại “méo mặt”, loay hoay tìm cách để bù lỗ cho những đơn hàng đã đặt.

Tại Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (xã Thắng Lợi), một đơn vị chuyên sản xuất, chế biến trái cây đóng hộp xuất khẩu sang các thị trường Nga, Brazil, Belarus, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico..., tình hình cũng không mấy khả quan.

Ông Lê Trường Tùng, Giám đốc công ty, cho biết: Năm 2025, công ty đặt kế hoạch chế biến 7.000 tấn dứa xuất khẩu. Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng cao, đặc biệt từ tháng 5 trở lại đây lên đến 11.000 đồng/kg, khiến hoạt động sản xuất gặp khó khăn. Có thời điểm, công ty phải tạm dừng dây chuyền chế biến, dẫn đến vi phạm tiến độ giao hàng, bị đối tác phạt hợp đồng. Để duy trì sản xuất, công ty chấp nhận bù lỗ, mở rộng thu mua nguyên liệu từ các tỉnh Tây Nguyên, thậm chí nhập khẩu từ Lào. Tính đến hết tháng 6/2025, doanh nghiệp mới đạt khoảng 65% kế hoạch sản xuất.

 Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích trồng dứa lớn nhất cả nước, với khoảng 3.700 ha. Trong đó, 1.300 ha thuộc các nông lâm trường và doanh nghiệp liên kết, còn lại do người dân trồng nhỏ lẻ

 Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích trồng dứa lớn nhất cả nước, với khoảng 3.700 ha. Trong đó, 1.300 ha thuộc các nông lâm trường và doanh nghiệp liên kết, còn lại do người dân trồng nhỏ lẻ

Không riêng Công ty Trung Thành, nhiều doanh nghiệp chế biến dứa xuất khẩu trên địa bàn Thanh Hóa cũng đang chật vật vì chi phí đầu vào tăng cao, buộc phải chấp nhận bù lỗ để giữ đơn hàng và duy trì hoạt động.

Được biết, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích trồng dứa lớn nhất cả nước, với khoảng 3.700 ha. Trong đó, 1.300 ha thuộc các nông lâm trường và doanh nghiệp liên kết, còn lại do người dân trồng nhỏ lẻ. Dứa tập trung chủ yếu tại các xã Hà Long, Yên Phú, Ngọc Liên và phường Quang Trung.

 Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, một trong những doanh nghiệp chế biến dứa gặp khó khi giá nguyên liệu tăng cao

 Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, một trong những doanh nghiệp chế biến dứa gặp khó khi giá nguyên liệu tăng cao

Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 4 nhà máy chế biến dứa đang hoạt động gồm: Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, Công ty TNHH Tư Thành và Công ty CP XNK nông sản Đồng Xanh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chưa ký hợp đồng bao tiêu với người trồng dứa mà chỉ mua qua thương lái. Điều này khiến khi giá nguyên liệu tăng cao, doanh nghiệp bị động về nguồn cung, nhiều nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động.

Để ổn định vùng nguyên liệu, tránh tình trạng bị động về giá và sản lượng, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng liên kết, ký hợp đồng bao tiêu với người trồng dứa. Từ đó, thiết lập khung giá hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.

Về phía người dân, cũng cần tuân thủ cam kết liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng bán phá vỡ hợp đồng khi giá thị trường tăng cao. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý vùng nguyên liệu, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vùng trồng bền vững phục vụ chế biến, xuất khẩu.

theodoanhnghiepkinhtexanh

Tin khác

Sản phẩm 2 ngày trước
Trước thực trạng sản phẩm OCOP đang đứng trước thách thức về chất lượng, thương hiệu và tính bền vững, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Sản phẩm 3 ngày trước
Sở Y tế TP HCM yêu cầu cơ sở y tế, kinh doanh dược khẩn trương rà soát, báo cáo sản phẩm sau vụ phát hiện đường dây làm giả dầu gió, kem dưỡng.
Sản phẩm 4 ngày trước
Diễn đàn cấp cao trao đổi kinh nhiệm phát triển chương trình OCOP của Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính.
Sản phẩm 5 ngày trước
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Sản phẩm 1 tuần trước
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn phát triển các sản phẩm OCOP mang thương hiệu Việt Nam được bảo vệ và quảng bá bằng chính sách phù hợp. Mỗi sản phẩm cần có câu chuyện riêng, gắn với văn hóa, lịch sử, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số…