Giá hồ tiêu chạm đỉnh, nông dân Tây Nguyên vẫn còn trăn trở
Đắk Lắk - Nông dân từng phấn khởi khi giá hồ tiêu lập đỉnh và chật vật lúc lao dốc. Nay giá tăng trở lại nhưng họ vẫn thấp thỏm lo âu những biến động phía sau.

Hồ tiêu, được ví như “vàng đen” của nông dân Tây Nguyên. Hiện người dân nơi đây đang vào đầu vụ thu hoạch với tín hiệu tích cực khi giá tăng gấp đôi so với năm trước.
Sáng nay, trong ngày 9.3, hồ tiêu được các đại lý thu mua với giá 160.000 đồng/kg. Trong khi cùng thời điểm này năm ngoái chỉ có khoảng 80.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu lập đỉnh đầu vụ là tin vui, nhưng bà con vẫn lo lắng. Chị Trần Thị Hiên, ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chia sẻ niềm vui khi giá tiêu tăng mạnh, song cũng trăn trở trước những biến động lớn của thị trường.
Năm 2016, giá hồ tiêu từng vượt mốc 200.000 đồng/kg nhưng sau đó lao dốc, có thời điểm xuống dưới 40.000 đồng/kg.
Việc này đã khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh khốn đốn, thậm chí phá sản. Nguyên nhân chính là do người nông dân đặt cược, đầu tư nhiều tiền của để phát triển nóng diện tích hồ tiêu.
Điều đáng nói, do chạy đua theo thị trường, nhiều nông dân đã bất chấp cảnh báo của ngành chức năng liên tục mở rộng diện tích trồng hồ tiêu.
Thậm chí, có nhiều người còn trồng hồ tiêu trên những vùng đất không phù hợp, dẫn đến hệ lụy nguồn cung vượt cầu, chất lượng giảm, dịch bệnh hoành hành và thiệt hại nặng nề.
Thế nên, hiện nay, khi giá tiêu tăng cao trở lại thì người nông dân vẫn thấp thỏm lo âu. Người nông dân mong muốn giá hồ tiêu có sự ổn định để có thể phát triển vườn cây bền vững, tránh lặp lại những khó khăn trong quá khứ.
Anh Y Hanh Byă, ở xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk canh tác gần 1ha hồ tiêu xen cà phê và đã trải qua nhiều thăng trầm cùng loại cây này.
Anh từng vui mừng khi hồ tiêu đạt đỉnh giá, rồi hụt hẫng khi giá liên tục lao dốc. Xót xa hơn, anh bất lực chứng kiến vườn tiêu chết dần vì dịch bệnh. Chính vì vậy, anh lo lắng những "cơn sóng ngầm" sau "bão giá" hiện nay.

Hồ tiêu từng trải qua nhiều đợt biến động về giá. Ảnh: Thanh Quỳnh
Theo anh, khi giá tiêu tăng cao, nông dân có thể thu lợi tốt. Thế nhưng, khi giá giảm sâu, nguồn thu sụt giảm đột ngột khiến họ trở tay không kịp, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần do đã dồn vốn đầu tư chăm sóc vườn cây.
Vì vậy, anh mong giá hồ tiêu ổn định ở mức đảm bảo thu nhập, giúp nông dân yên tâm sản xuất, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và hướng tới canh tác bền vững.
Tây Nguyên là một trong những vùng trồng hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với diện tích khoảng 82.000ha.
Khu vực này không chỉ đóng góp đáng kể vào sản lượng hồ tiêu của cả nước mà còn là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân.
Nguồn:laodong.vn