Gia Lai: Bế mạc Festival Văn hóa Cồng Chiêng năm 2023
Nằm trong chương trình “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023”, tối ngày 12-11-2023, Tiểu ban Festival Văn hóa Cồng Chiếng tỉnh Gia Lai đã tổ chức Lễ bế mạc Festival Văn hóa Cồng Chiêng năm 2023.
Đến dự buổi lễ có ông Trương Hải Long, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các ông, bà Thường trực UBND tỉnh; cán bộ, công chức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và đông đảo đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Thay mặt UBND tỉnh, các Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Nguyễn Hữu Quế đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và tặng hoa cho 35 tập thể và 01 cá nhân đã có nhiều đóng góp và tham gia tích cực cho các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023, trong đó có 4 Đoàn nghệ nhân cồng chiêng thuộc các tỉnh: Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum và 17 Đoàn nghệ nhân cồng chiêng và 01 Câu lạc bộ Cồng chiêng Nữ làng Leng, huyện Kbang thuộc tỉnh Gia Lai.
Phát biểu tại buổi lễ bế mạc, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: "Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 với điểm nhấn là Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2023 chủ đề “Gia Lai - Những sắc màu văn hóa”, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy, tôn vinh giá trị Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực; là dịp để quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai. Đây cũng là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh".
Hai ngày qua, tại thành phố Pleiku - cao nguyên xanh vì sức khỏe, hơn 1.300 nghệ nhân đại diện cho các dân tộc vùng Tây Nguyên đã hội tụ về đây để cùng Gia Lai hòa tấu lên những âm thanh vang vọng của đại ngàn, cùng trình diễn nhạc cụ, thể hiện những nét văn hóa đặc trưng nhất của dân tộc mình. Qua đây, những chủ nhân của loại hình di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên muốn nhắn nhủ với bạn bè trong nước và quốc tế rằng: Chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện tốt những cam kết đã ký với UNESCO năm 2006.
Trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn cồng chiêng, 22 đoàn nghệ nhân đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên đã thể hiện, trình diễn nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ hội đường phố, tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn nghệ dân gian, ẩm thực, đan lát, dệt vải, tạc tượng. Các hoạt động này đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, chia sẻ. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự thành công của sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ, là tiền đề cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến và phát triển du lịch sau này.
Có thể thấy, trải qua gần 20 năm bảo tồn và phát triển, di sản văn hóa cồng chiêng ngày càng sống động, thân thuộc hơn trong đời sống cộng đồng dân cư các dân tộc Tây Nguyên như: Bahnar, Jrai, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê,.... Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, sự đầu tư đúng đắn cho lĩnh vực này. Cũng chừng ấy thời gian, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực không ngừng để Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục tồn tại sống động trong tình hình mới. Chúng ta tự hào rằng, cho đến nay, các tỉnh Tây Nguyên còn lưu giữ số lượng cồng chiêng lớn, trong đó Gia Lai là tỉnh có số lượng nhiều nhất, với hơn 5.600 bộ…”
Sau phần Lễ là phần Hội, chương trình nghệ thuật với chủ đề: "Hơn một lời chia tay” của 1.300 nghệ nhân Cồng chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên náo nhiệt, rộn ràng bởi những âm thanh nhạc cụ đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, đặc biệt là tiềng cồng, chiêng. Với những trang phục thổ cẩm rực rỡ, những sắc màu văn hóa dân gian của các dân tộc. Khi cồng chiêng cất lên, âm vang của nó lay động không gian, thức tỉnh tâm linh và kết nối cuộc đời.
Nhận xét về lễ hội kể trên, ông A Ngưi, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Kbang hồ hởi:” Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 nói chung và Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai năm 2023 nói riêng tổ chức hoành tráng, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng nghệ nhân và du khách. Riêng huyện Kbang đã đưa 01 trong 6 Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tham gia Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh Gia Lai. Đây là nét mới trong Lễ hội này…”
Còn ông Rơ Lan Ven, Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chư Pah cho hay: "Trước kia, trên địa bàn huyện nhiều gia đình theo Đạo Tin lành không đánh cồng chiêng, thậm chí còn bán cồng chiêng cho tư thương gây ra nạn “chảy máu” cồng chiêng. Từ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động bà con bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc số lượng cồng chiêng trên địa bàn huyện đã tăng lên. Riêng tôi đã thành lập một Đội cồng chiêng gồm 40 thành viên tham gia các sự kiện trong tỉnh và biểu diễn tại các nhà hàng phục vụ du khách thập phương, góp phần kích cầu du lịch cho tỉnh.”
Đề cập đến lễ hội trên, nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih, làng Dút 1, xã Ia Der, huyện Chư Pah cho biết: "Từ lâu ông đã truyền nghề cho lớp nghệ nhân trẻ của xã nên đợt này, Đội nghệ nhân cồng chiêng trẻ của xã đã tham gia Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023, trong đó có ba đứa con của ông. Ông rất mừng là đã truyền được nghề cho lớp trẻ để bảo vệ và phục hồi bản sắc văn hóa dân tộc.”
Festival Văn hóa Cồng chiêng năm 2023 đã khép lại nhưng dư âm của nó như làn gió đại ngàn vang vọng mãi trong lòng đồng bào các dân tộc trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước.
Văn Thư