Thứ bảy, 12/10/2024
  • Click để copy

Hà Nội tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3

15:46, 09/09/2024

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các huyện bị thiệt hại khá lớn về sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, nhiều diện tích lúa, hoa màu, thủy sản bị đổ, ngập, hư hỏng và động vật bị chết…

Nhiều diện tích lúa, hoa mùa, thủy sản…bị đổ, ngập

Tại huyện Ba Vì, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Phương Phùng Văn Chính chia sẻ: "Chỉ riêng diện tích chuối và ngô bị hư hại của xã đã lên tới 22ha, cùng hơn 6.000 cây xanh công trình bị gãy đổ".

Anh Nguyễn Hữu Hoàng, hộ trồng chuối lớn với 6ha, bày tỏ nỗi buồn: “Gia đình dồn hết vốn liếng để trồng chuối, nhưng toàn bộ chuối trồng cho vụ Tết năm nay đã bị gãy ngang thân. Nhìn vườn chuối ngổn ngang, hai vợ chồng chúng tôi chỉ biết ngồi khóc vì thiệt hại quá nặng nề”.

 Nhiều diện tích trồng chuối ở xã Phú Phương (huyện Ba Vì) bị đổ do mưa bão. Ảnh: Thanh Bạch.

 Nhiều diện tích trồng chuối ở xã Phú Phương (huyện Ba Vì) bị đổ do mưa bão. Ảnh: Thanh Bạch.

Tại xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa), cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Xã có 3 mô hình nông nghiệp áp dụng nhà lưới, nhà kính, tất cả đều bị tốc mái và đổ sập hoàn toàn sau bão.

Anh Đinh Minh Tiến, người đã đầu tư hơn 3.600m² nhà kính và nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả, chia sẻ: “Thu nhập mỗi vụ lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng sau bão, toàn bộ trang thiết bị và mô hình bị hỏng hết. Để tái sản xuất, trang trại phải đầu tư lại từ đầu, việc này khiến tôi lo lắng không biết sẽ lấy vốn từ đâu”.

 Các vườn rau trồng công nghệ cao ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) bị hư hỏng do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Thanh Bạch.

 Các vườn rau trồng công nghệ cao ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) bị hư hỏng do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Thanh Bạch.

Bà Đặng Thị Minh, một hộ trồng 0,7ha bưởi tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) buồn rầu cho biết: “Năm nay, gia đình tôi trồng bưởi rải vụ, đợt đầu dự kiến thu hoạch vào dịp rằm tháng Tám - Trung thu tới đây và đợt bưởi Diễn bán Tết Nguyên đán, nhưng sau bão, hầu hết cây bưởi bị bật gốc, quả rụng hàng loạt. Gia đình phải tốn rất nhiều công sức để dọn dẹp. Chúng tôi lo lắng không biết khi nào mới có thể tái sản xuất. Cả vườn bưởi hơn 10 năm tuổi, cây bị gãy cành, cây bật gốc, quả thì rụng đến 90%, số còn lại đều là quả xấu..."

Cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3, huyện Gia Lâm có hàng trăm hecta lúa, rau màu, hoa, cây ăn quả trên địa bàn các xã: Văn Đức, Dương Hà, Đặng Xá, Đình Xuyên, Kim Lan, Yên Thường... bị ngập nước.

Chủ tịch UBND xã Văn Đức Trần Xuân Điệu thông tin: Toàn xã có 192,97ha trồng rau, hoa, cây ăn quả các loại bị ngập, thiệt hại hoàn toàn, trong đó có: 23,47ha rau ăn lá, 45ha trồng cải bắp, súp lơ; 36,8ha trồng bầu, cà, mướp, dưa; 5ha trồng ngô, sen; 77,09ha trồng hoa các loại; 23,38ha trồng cây ăn quả các loại; 30ha công trình nhà lưới bị sập, lưới hỏng…, ước tổng thiệt hại hơn 47 tỷ đồng.

 Hơn 10ha lúa mùa ở xã Sơn Công và thị xã Sơn Tây bị đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Văn Quang

 Hơn 10ha lúa mùa ở xã Sơn Công và thị xã Sơn Tây bị đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Văn Quang

 Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở xã Xuân Sơn bị ngập, làm chết hơn 8.000 con gà. Ảnh cắt từ clip

 Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở xã Xuân Sơn bị ngập, làm chết hơn 8.000 con gà. Ảnh cắt từ clip

Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sơn Tây, tính đến 14h ngày 8-9, có khoảng 104,8ha lúa bị ngập, 265,6ha lúa, cây màu, rau và cây khác bị gãy, đổ; 1 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở xã Xuân Sơn bị ngập, làm chết hơn 8.000 con gà…

Cụ thể, tại xã Xuân Sơn, trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Lê Hồng Minh ở thôn Xóm Bướm bị ngập nặng. Ông Minh cho biết, trang trại có tổng diện tích 3.000m2 với 3 chuồng nuôi 36.000 con gà công nghiệp gần 30 ngày tuổi, chuẩn bị xuất chuồng. Tuy nhiên, mưa bão đã làm cả 3 chuồng bị ngập. Trong ngày 8-9, đã có 8.600 con gà bị chết do đuối nước, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương, thực hiện chôn tiêu hủy theo quy định trong buổi chiều cùng ngày. Sáng 9-9, nhiều con gà tiếp tục bị chết và yếu, khó cứu sống, ước khoảng 8.000 con.

Hỗ trợ kịp thời để khôi phục sản xuất cho nông dân

Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Công Vũ Đức Hiệp cho biết, các hộ áp dụng công nghệ cao đều là những hộ đầu tư lớn, có hộ đầu tư cả tỷ đồng. Nay thiệt hại nặng nề, người dân mong các sở, ngành tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ khẩn cấp để người dân có thể sửa chữa, khắc phục và sớm trở lại sản xuất.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 1.665ha diện tích hoa màu, trong đó lúa 1.208ha bị nghiêng, đổ (không bị úng ngập) tại các xã: Liên Mạc, Thanh Lâm, Tam Đồng, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Tự Lập... Hiện lực lượng dân quân tự vệ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên... hỗ trợ nông dân khắc phục dựng buộc diện tích lúa, cơ bản hoàn thành, bảo đảm lúa tiếp tục sinh trưởng tốt. Đối với 457ha rau màu bị dập nát, các lực lượng tại địa phương giúp đỡ bà con thu hoạch, dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, tổ chức gieo trồng bổ sung bảo đảm diện tích gieo trồng.

 Đoàn Thanh niên tham gia hỗ trợ nhân dân xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) buộc dựng lại lúa bị đổ do bão. Ảnh: Hoàng Sơn.

 Đoàn Thanh niên tham gia hỗ trợ nhân dân xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) buộc dựng lại lúa bị đổ do bão. Ảnh: Hoàng Sơn.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai, sau khi bão tan, công tác khắc phục được triển khai ngay trên địa bàn, bảo đảm an toàn, sinh hoạt cho người dân. Xã cũng chủ động phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Thanh Trì tích cực bơm tiêu úng, yêu cầu các đơn vị tiếp tục thống kê thiệt hại, báo cáo cấp trên để thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai theo quy định.

Để khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn, Xí nghiệp thủy lợi Gia Lâm vận hành 32 máy bơm phục vụ việc tiêu thoát nước, công suất 70.000m3/h…

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, huyện cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương xử lý các sự cố về điện trên địa bàn, cung cấp điện cho nhân dân và chạy các trạm bơm phục vụ tiêu thoát nước; xử lý, khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp, các tài sản bị hư hỏng do mưa bão gây ra; chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm, Xí nghiệp Thoát nước số 5 phối hợp với các hợp tác xã nông nghiệp vận hành các trạm bơm, bảo đảm việc tiêu thoát nước khu dân cư, tiêu úng tại các vùng sản xuất nông nghiệp.

Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Phùng Khắc Sơn, huyện đang tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là các diện tích lúa, cây hoa màu bị đổ, bị ngập.

Ngay sau khi cơn bão tan, nhân dân trên địa bàn huyện đã xuống đồng nhanh chóng dựng lại diện tích lúa bị đổ, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng cho cây nhanh chóng phục hồi; chỉ đạo tiêu nước đệm giảm nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn.

Nguồn:hanoimoi.vn

Tin khác

Nông nghiệp xanh 2 ngày trước
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp của thành phố Hà Nội ngày càng bị thu hẹp.
Nông nghiệp xanh 5 ngày trước
9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng xuất khẩu gạo đã vượt 7 triệu tấn, với mức tăng 9,2%. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng ghi nhận ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1%.
Nông nghiệp xanh 1 tuần trước
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình UBND TP quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Nông nghiệp xanh 2 tuần trước
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cùng Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thảo luận về việc triển khai dự án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long, với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF).
Nông nghiệp xanh 2 tuần trước
Nhiều năm bỏ tâm huyết phục dựng lúa mùa, ông Lê Quốc Việt ở thị trấn Minh Lương (huyện Châu Thành, Kiên Giang) được vinh dự công nhận 'Nhà khoa học của nhà nông' lần thứ 4 năm 2024.