Thứ tư, 02/07/2025
  • Click để copy

Xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp

15:31, 02/07/2025

Phó Thủ tướng lưu ý việc xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp ngành môi trường.

Tran-Hong-Ha-2-7-1

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về dự thảo chương trình phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Ảnh: VGP

Ngày 2.7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về dự thảo chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường (CNMT) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá dự thảo chương trình mới chỉ dừng ở mức định hướng hành động, nội dung còn chung chung, thiếu định lượng, chưa xác định rõ cơ quan chủ trì, đơn vị thực hiện, chưa có kế hoạch triển khai cụ thể hay mục tiêu đo lường hiệu quả.

Bộ Công Thương phải rà soát lại cách tiếp cận, xác lập mục tiêu cụ thể và lộ trình triển khai rõ ràng cho từng giai đoạn phát triển CNMT.

Trước mắt, đến năm 2025, cần xác định rõ ngành CNMT bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ phải trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng vai trò chiến lược trong bảo đảm độc lập, tự chủ khi xử lý các thách thức môi trường của đất nước, tiến tới xuất khẩu công nghệ, sản phẩm và dịch vụ môi trường.

Mỗi lĩnh vực trong CNMT cần có mục tiêu cụ thể. Đơn cử như xử lý chất thải đặt chỉ tiêu xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, nước thải đô thị và công nghiệp.

Kinh tế tuần hoàn xác định tỉ lệ tái chế, tái sử dụng trong công nghiệp, xây dựng, khai khoáng. Năng lượng sạch nêu rõ tỉ lệ ứng dụng trong sản xuất, giao thông, xây dựng.

Giám sát môi trường làm rõ số lượng trạm quan trắc, mức độ tự động hóa, phạm vi bao phủ. Dịch vụ môi trường hướng đến xây dựng hệ sinh thái đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát thể chế, chính sách đã ban hành, đề xuất bổ sung những quy định còn thiếu.

Đặc biệt trong lĩnh vực thuế và tài chính, cần xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp ngành môi trường; có cơ chế khuyến khích chuyển giao công nghệ khi đầu tư, ưu đãi khi đáp ứng tiêu chuẩn.

Hỗ trợ nghiên cứu - triển khai (R&D), chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành CNMT, bao gồm cả việc sử dụng các quỹ đã hình thành (quỹ môi trường, quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ khoa học công nghệ...).

Chương trình cũng cần phân vai rõ ràng, giao nhiệm vụ cụ thể trong nghiên cứu, sản xuất, đầu tư, ban hành tiêu chuẩn - quy chuẩn. Đồng thời, xác định rõ danh mục công nghệ ưu tiên phát triển giai đoạn 2025-2030.

Tran-Hong-Ha-2-7-2-1

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xem xét kỹ trong các lĩnh vực thuế và tài chính. Ảnh: VGP

Trong đó bao gồm: Công nghệ điện rác; xử lý nước thải đô thị/công nghiệp; vật liệu xây dựng tái chế; tái chế chất thải từ năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); hệ thống quan trắc môi trường; nhựa sinh học, vật liệu xanh.

Mỗi danh mục cần phân nhóm: nhập khẩu có điều kiện, khuyến khích sản xuất trong nước, bắt buộc chuyển giao công nghệ.

Nhấn mạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, những lĩnh vực có chi phí cao, rủi ro lớn hoặc chưa có doanh nghiệp tư nhân đủ năng lực thì khu vực công cần đi trước mở đường.

Có thể kể đến như xử lý chất thải nguy hại, phát triển vật liệu thân thiện môi trường, quan trắc môi trường quy mô lớn, công nghệ tái chế rác thải điện gió, điện mặt trời.

Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công nghiệp cần được giao thực hiện các dự án mẫu về CNMT để làm cơ sở nhân rộng trên toàn quốc. 

theolaodong.vn

Tin khác

Doanh nghiệp 2 giây trước
Phó Thủ tướng lưu ý việc xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp ngành môi trường.
Doanh nghiệp 1 ngày trước
Tổng công ty Điện lực miền Bắc hoàn tất việc sắp xếp tổ chức, số lượng công ty điện lực trực thuộc từ 27 xuống còn 17 đơn vị. Cùng với đó, 263 “Đội quản lý điện lực khu vực” đồng loạt hoạt động từ 1/7.
Doanh nghiệp 2 ngày trước
60% doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng trong năm tới và 46% cho biết đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp 3 ngày trước
Đây là tuyến huyết mạch chiến lược, góp phần kết nối từ TP.HCM – Đồng Nai – Bảo Lộc – Đà Lạt và mở rộng ra đến các cảng biển như Phan Thiết, Cam Ranh, Phú Mỹ, sân bay Long Thành và toàn vùng Nam Trung Bộ.
Doanh nghiệp 3 ngày trước
Chiều 28/6, Vietravel Airlines đón tàu bay A321 đầu tiên thuộc quyền sở hữu của hãng tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.