Làm rõ thất bại thử nghiệm với sai phạm không thể miễn trừ khi nghiên cứu khoa học
Đại biểu Quốc hội nêu thực trạng đáng lo ngại khi nhiều đề tài nghiên cứu khoa học sau khi nghiệm thu không được ứng dụng, gây lãng phí, suy giảm niềm tin.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân lo ngại nhiều đề tài nghiên cứu khoa học không được ứng dụng. Ảnh: Phạm Đông
Chiều 13.5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ sự ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro”, vì bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng.
Từ đó, đại biểu đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được, ví dụ như sai số mô hình, thất bại thử nghiệm... và sai phạm không thể miễn trừ là gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém.
Đại biểu cũng đề nghị thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập. Thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, dự thảo luật có hướng dẫn triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo từng loại hình công nghệ và lĩnh vực.
Đây là cơ chế cho phép thử cái mới, có rủi ro thì kiểm soát, có sai thì sửa, không bị phạt ngay. Đây là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình, công nghệ mới ra đời và lớn lên.
Theo đại biểu, thực tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương, chúng ta đều nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại khi nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được ứng dụng vào thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả đầu tư cho khoa học.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. Ảnh: Phạm Đông
Lần đầu tiên quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào quy định trong luật, cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung, áp dụng đa lĩnh vực, đặc biệt trong công nghệ mới như AI, ứng dụng y tế số, chuyển đổi số...
Đây là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình, công nghệ mới ra đời và phát triển. Nhưng để thực sự phát huy đúng ý nghĩa đề ra, đại biểu đề nghị cần luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất.
Tăng cường vai trò điều phối của Chính phủ và trách nhiệm phối hợp liên ngành. Bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm được minh định, an toàn pháp lý.
Mặt khác, dự thảo cũng cần quy định rõ đối tượng được cấp phép thử nghiệm theo đúng quy định của pháp luật thì không bị xử lý nếu có sơ suất trong phạm vi thử nghiệm.
Quy định trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quy định, ban hành danh mục ngành, nghề được phép thử nghiệm, kiểm duyệt, thời gian thử nghiệm và đánh giá kết quả, phối hợp triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và công khai để mô hình tốt được nhân rộng.
Theo Phạm Đông/laodong.vn