Một nữ nông dân Đồng Nai trồng rau công nghệ cao, vườn đẹp như phim
Chị Đỗ Thị Dinh, chủ nông trại Rau thủy canh Thành Tâm xã Lộc An, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đang làm giàu nhờ mô hình trồng rau công nghệ cao.
Khởi nghiệp từ mô hình trồng rau sạch thủy canh tại xã thuần nông Lộc An
Là một người mẹ đơn thân, vừa phải chăm sóc và nuôi dạy 2 con, trong đó cậu con trai nhỏ mang bệnh tim thường hay tái phát, chị Đỗ Thị Dinh - chủ nông trại Rau thủy canh Thành Tâm (Thành Tâm Farm) tại xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bắt đầu chia sẻ về câu chuyện vượt khó của mình khi vừa phải lo kinh tế, vừa lo sức khỏe của các con.
Trước đây, chị đã từng có công việc ổn định với vị trí trợ lý sản xuất cho một công ty nước ngoài, nhưng rồi khi người con trai nhỏ bắt đầu được chẩn đoán mắc bệnh, chị phải bỏ công việc hiện tại vì không thể đáp ứng về thời gian.
Gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của người mẹ đơn thân khi vừa phải lo lắng kinh tế gia đình, vừa phải dành thời gian cho việc chăm sóc con bệnh khiến chị mất phương hướng và cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải chọn cho mình một kế mưu sinh mới.
Khi thấy địa phương thuần nông nghiệp của mình cũng có thể làm kinh tế nông nghiệp theo các mô hình công nghệ mới, chị đã quyết tâm tìm hiểu, học hỏi và chọn mô hình trồng rau sạch thủy canh để làm kế khởi nghiệp cho bản thân.
Với số vốn khiêm tốn huy động được từ người thân, chị đã thuê 2.000m2 đất tại xã Lộc An để thành lập nông trại Rau thủy canh Thành Tâm của mình theo mô hình thuỷ canh máng ngang.
“Các chính sách phê duyệt đất sản xuất nông nghiệp được Chính quyền địa phương xúc tiến rất nhanh chóng cũng làm cho Thành Tâm Farm rút ngắn được thời gian để đi vào sản xuất nhanh chóng hơn, từ đó tạo động lực cho chúng tôi phát triển mô hình này hiệu quả” – chị Dinh chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Dinh - chủ nông trại Rau thuỷ Canh Thành Tâm. Ảnh Tú San
Ban đầu, Thành Tâm Farm thành công với 1 hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau sạch được ký với hợp tác xã trên diện tích 1.000m2, nông trại đã cung cấp sản phẩm từ 100-120 kg/ngày và 1 tháng từ 3.000kg-3.600kg cho hợp tác xã, mang lại thu nhập từ 40-55 triệu/tháng.
Bà Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nhận định: “Lợi thế lớn đối với mô hình trồng rau, quả thủy canh công nghệ cao là tốc độ sinh trưởng của cây trồng nhanh hơn so với phương thức canh tác truyền thống.
Quá trình sản xuất, chăm trồng không phun thuốc trừ sâu, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng… nên tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người tiêu dùng.
Một lợi thế của trồng rau thủy canh công nghệ cao là trên diện tích nhỏ có thể tận dụng tối đa để canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau, giúp người trồng tăng thu nhập”.
Trồng rau công nghệ cao, người làm khỏe, người ăn vui
Từ những hiệu quả bước đầu mang lại khi được bao tiêu đầu ra sản phẩm từ 1.000m2 diện tích, chị Dinh tự tin đầu tư khai thác thêm 1.000m2 diện tích còn lại để cung cấp ra thị trường.
Tuy nhiên, do nhu cầu ban đầu của thị trường còn thấp, đa số người dân đều so sánh giá sản phẩm mà chưa quan tâm đến các yếu tố như quy trình trồng, đóng gói bảo quản, cho đến tiêu chí sản phẩm sạch nên sản lượng thời gian đầu của nông trại không thể tiêu thụ hết thông qua các kênh phân phối truyền thống.
“Khó khăn của Thành Tâm Farm khi đó chính là số lượng khách hàng dùng rau không ổn định, vì vậy, lượng rau sản xuất ra thường bị dư, phải mang tặng các hộ gia đình nghèo và các hoạt động thiện nguyện”, chị Dinh thông tin thêm.

Chị Đỗ Thị Dinh đang thu hoạch sản phẩm rau sạch của Thành Tâm Farm để đưa ra thị trường. Ảnh Tú San
Vì thế, để giải bài toán đầu tra còn khiêm tốn của Thành Tâm Farm, chị Dinh nhận ra việc kết hợp mô hình tham quan nông trại để khai thác thêm giá trị của doanh nghiệp cũng là một xu thế mới đang được các mô hình giáo dục thực nghiệm tiểu học quan tâm.
Vì thế, Thành Tâm Farm đã kết hợp với nhiều đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận như Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh tạo ra một sân chơi chủ yếu phục vụ cho các trường mầm non, tiểu học tham quan và học hỏi các quy trình sản xuất ra rau sạch dùng trong bữa ăn hàng ngày.
Chị Dinh cho biết: “Việc kết nối với các cơ sở giáo dục để khai thác thêm giá trị xuất phát từ những thông tin tuyên truyền của chính quyền nhằm khai thác tốt hơn giá trị tài nguyên đất nông nghiệp ngoài nghiệp vụ canh tác chính, và tôi nhận thấy mô hình của Thành Tâm Farm rất phù hợp, có thể phát huy hiệu quả ngoài mong đợi khi áp dụng mô hình trải nghiệm thực tế cho các bé ở lứa tuổi mầm non, tiểu học”.
Mong muốn đưa mô hình hợp tác cùng phát triển
Bên cạnh những lợi thế trên, mô hình trồng rau thủy canh cũng có những khó khăn, bất lợi nhất định. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho mô hình công nghệ cao rất lớn, người lao động phục vụ mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải qua đào tạo bài bản, có tay nghề tốt. Vì thế, muốn phát triển và nhân rộng mô hình của mình, chị Dinh cũng mong muốn tìm kiếm được các nhà đầu tư hoặc những người có tâm huyết để hợp tác.

Mô hình trồng rau sạch thủy canh của Thành Tâm Farm. Ảnh Tú San
Bà Hồ Thị Sự cũng cho rằng “sản phẩm từ mô hình nông nghiệp thủy canh tuy góp mặt trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay, nhưng vẫn còn khá mới đối với nhiều người tiêu dùng. Khó khăn lớn là việc tiêu thụ thành phẩm ra thị trường trong tỉnh vẫn còn khiêm tốn. Nếu có thể đưa sản phẩm ra các thị trường ngoại tỉnh thì sẽ kích thích được sự tham gia của người nông dân tại địa phương”.
Với kinh nghiệm cũng như mong muốn chia sẻ và hợp tác với những người làm nông nghiệp công nghệ cao ở những địa phương khác, chị Dinh cho biết: “Hiện tại, Thành Tâm Farm cũng đang tìm cách tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang chào mời các đơn vị quan tâm hợp tác cùng phát triển để mang lại giá trị cho mô hình rau sạch này”.