Cho vay vốn giảm nghèo, thành phố này ở Đồng Nai còn tạo sinh kế, dựng nhà mới, xây tương lai
Từ nguồn vốn ưu đãi, những mô hình sinh kế hiệu quả đến các chính sách an sinh thiết thực, TP.Long Khánh (Đồng Nai) đang hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững.
Tín dụng chính sách, nhà ở, việc làm… góp phần giảm nghèo đa chiều
Ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP.Long Khánh cho biết, thời gian qua, công tác tín dụng chính sách tại Long Khánh đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp người dân vươn lên trong cuộc sống.
Ngân hàng đã triển khai đầy đủ, công khai các chương trình vay vốn ưu đãi, đặc biệt là vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ những “điểm tựa” về vốn đó, nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời. Trong đó có mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của ông Nguyễn Ngọc Hải ở xã Bảo Quang.

Ông Nguyễn Ngọc Hải chăm sóc vườn dưa lưới. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Hải kể, chi phí đầu tư ban đầu cho nhà màng từ 400–500 triệu đồng là không hề nhỏ. Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp rất ông nhiều để hoàn thiện mô hình.
Áp dụng công nghệ cao, mô hình dưa lưới của anh Hải không chỉ tăng năng suất mà còn kiểm soát được dịch hại, giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng nông sản. Sau hai năm, lợi nhuận đã đạt khoảng 200 triệu đồng/sào/năm. Thấy hiệu quả rõ rệt, anh quyết định mở rộng diện tích lên 3.000m², với tổng đầu tư 1,5 tỷ đồng.
Không chỉ có anh Hải, phong trào khởi nghiệp và làm giàu cũng lan rộng nhờ sự đồng hành của Đoàn Thanh niên xã Bảo Quang. Hiện tại, Đoàn đang quản lý 7 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 391 thành viên, dư nợ hơn 15 tỷ đồng và tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,32%. Số tiền tiết kiệm tại các tổ này lên tới 1,15 tỷ đồng.

Người dân làm thủ tục vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Long Khánh. Ảnh: NVCC
Chính từ những nguồn vốn ưu đãi đó, nhiều hộ dân đã có cơ hội đổi đời. Tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Thành Trung (tổ 4, ấp Ruộng Tre), nhờ vay 80 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để cải tạo 5 sào đất trồng cây ăn trái, đã tạo ra nguồn thu nhập hơn 120 triệu đồng mỗi năm. Hay trường hợp bà Mai Thị Thu Nga vay 80 triệu đồng cho con theo học đại học. Đến nay, các con bà đều đã ra trường và có việc làm ổn định.

Biến đổi khí hậu và thiên tai đã tác động thế nào tới giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam?
Long Khánh nỗ lực giảm nghèo đa chiều
Không chỉ hỗ trợ vốn vay, TP.Long Khánh còn chú trọng đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người dân, mà nhà ở là yếu tố then chốt. Những căn nhà tình thương, nhà nghĩa tình đã trở thành điểm tựa giúp nhiều gia đình nghèo an cư, từ đó yên tâm lao động, học tập và vươn lên trong cuộc sống.
Gia đình anh Nguyễn Trường Xuyên (ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang) từng sống trong căn nhà xuống cấp suốt 12 năm, luôn lo lắng mỗi khi mưa gió. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc, gia đình anh đã được hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới gần 100m², tổng chi phí 180 triệu đồng.
“Nhà cũ muốn sửa mà không có khả năng. Giờ được giúp đỡ, có căn nhà khang trang thế này là điều chưa từng dám mơ. Từ nay vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn, tích cóp cho hai con học hành tới nơi tới chốn”, anh Xuyên xúc động chia sẻ.

Lễ trao tặng nhà tình thương cho hộ ông Nguyễn Trường Xuyên, thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở xã Bảo Quang, TP.Long Khánh. Ảnh: Hương Lan
Từ các nguồn lực như Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng với sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân… các cấp chính quyền thành phố luôn duy trì việc hỗ trợ xây dựng , sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chính những chương trình như vậy đã hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp cho hàng trăm hộ nghèo tại Long Khánh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã miền núi có cách làm mới giúp đồng bào dân tộc Tày giảm nghèo bền vững
Trong năm 2025, TP.Long Khánh đặt mục tiêu giảm 15% hộ nghèo và 23% hộ cận nghèo so với đầu giai đoạn 2022–2025. Theo ông Tăng Quốc Lập – Phó Chủ tịch UBND TP.Long Khánh đây là mục tiêu đầy thách thức, nhưng cũng hoàn toàn khả thi nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp.
“Thành phố sẽ triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất nhằm tạo sinh kế bền vững, đảm bảo ít nhất một người trong độ tuổi lao động của hộ nghèo có công việc ổn định. Cán bộ làm công tác giảm nghèo cũng được bồi dưỡng kỹ năng để đảm bảo triển khai chính sách hiệu quả”, ông Lập cho biết.

Ngoài việc hỗ trợ nhà ở và tín dụng chính sách, Long Khánh còn chú trọng đến các dịch vụ xã hội cơ bản nước sạch nông thôn... Ảnh: Nguyên Vỹ
Ngoài việc hỗ trợ nhà ở và tín dụng chính sách, Long Khánh còn chú trọng đến các dịch vụ xã hội cơ bản, như kết nối việc làm, bảo hiểm y tế, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, giáo dục và công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và toàn diện.
Các địa phương tại thành phố được giao nhiệm vụ rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, có giải pháp cụ thể cho từng trường hợp, đảm bảo không để người dân bị tụt lại phía sau. Những địa phương đã “sạch” hộ nghèo vẫn tiếp tục hỗ trợ hộ mới thoát nghèo để phòng tránh nguy cơ tái nghèo.
100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu sẽ được hỗ trợ kết nối việc làm.
100% người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được tham gia bảo hiểm y tế miễn phí.
Trên 96% trẻ em thuộc hộ nghèo đi học đúng độ tuổi.
Về nhà ở: Đảm bảo các hộ nghèo có nơi ở an toàn, ổn định.
Trên 95% hộ nghèo có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, ít nhất 92% có nhà tiêu hợp vệ sinh.
100% hộ nghèo có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ viễn thông, internet.