Thứ ba, 18/03/2025
  • Click để copy

Một trang trại công nghệ cao ở Quảng Trị nuôi thành công con đặc sản hiền như cục đất, bán hút hàng

07:32, 18/03/2025

Nuôi ốc bươu đen (nuôi ốc nhồi) theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chị Võ Thị Trang (32 tuổi, trú thôn Xa Bắc, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cho ra con đặc sản, bán hút hàng.

Cất bằng cử nhân trở thành nông dân nuôi ốc bươu đen

Dẫn chúng tôi thăm trang trại nuôi ốc bươu đen (nuôi ốc nhồi) của mình, cô nông dân xinh đẹp Võ Thị Trang không dấu nỗi niềm vui khi mô hình của mình đã thành công bước đầu.

 Nuôi ốc bươu đen (nuôi ốc nhồi) công nghệ cao, chị Võ Thị Trang đã thành công bước đầu. Ảnh: Ngọc Vũ.

 Nuôi ốc bươu đen (nuôi ốc nhồi) công nghệ cao, chị Võ Thị Trang đã thành công bước đầu. Ảnh: Ngọc Vũ.

Mở đầu câu chuyện, chị Trang cho biết sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Tài chính ngân hàng, chị làm kế toán cho một công ty được 2 năm.

Trong một lần cùng chồng ra các tỉnh phía Bắc thăm bạn bè, chị được ghé thăm một số trang trại nuôi ốc bươu đen và cảm thấy hứng thú.

Trở về nhà, chị Trang quyết định bỏ công việc liên quan đến những con số để trở thành nông dân, khởi nghiệp bằng nuôi ốc bươu đen.

Với số vốn hạn chế và chưa có kinh nghiệm nên ban đầu, chị Trang chỉ đầu tư 150 triệu đồng, nuôi thử nghiệm ốc bươu đen trên diện tích 800m2 ao hồ tự nhiên.

Sau khi chuẩn bị ao nuôi, nguồn thức ăn xanh, tháng 4/2022 chị Trang mua 20.000 con ốc giống thả nuôi lứa đầu tiên. Sau 5 tháng chăm sóc, chị Trang thu hoạch được 2,5 tấn ốc thịt thương phẩm. Với giá bán 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị Trang lãi 80 triệu đồng.

Mặc dù bước đầu đã thành công nuôi ốc nhồi, nhưng chị Trang nhận thấy nuôi ốc bươu đen theo phương thức truyền thống, trong ao hồ tự nhiên gặp nhiều hạn chế.

 Nuôi ốc bươu đen công nghệ cao có hệ thống lọc, xử lý nước hiện đại giúp chị Võ Thị Trang tiết kiệm nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ngọc Vũ.

 Nuôi ốc bươu đen công nghệ cao có hệ thống lọc, xử lý nước hiện đại giúp chị Võ Thị Trang tiết kiệm nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Lý giải rõ hơn, chị Trang cho biết ốc bươu đen sinh trưởng tốt trong môi trường nước có độ PH từ 6,5 – 8,5; nhiệt độ từ 25 độ C đến 30 độ C. 

Thế nhưng, ở môi trường ao hồ tự nhiên, nếu gặp mưa có lượng axit lớn sẽ khiến ốc bị bệnh dẫn đến sinh trưởng kém hoặc chết hàng loạt nếu không kịp xử lý. Việc kiểm soát nhiệt độ trong ao hồ tự nhiên gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lạnh.

"Nuôi ốc trong ao hồ tự nhiên, mùa mưa lạnh nhiệt độ xuống thấp, ốc không thể sinh trưởng nên ít người nuôi. Vì vậy chỉ có thể nuôi ốc một vụ vào mùa hè, nhưng gặp nắng gắt, nhiệt độ cao, cộng với mưa dông kèm lượng axit lớn, khiến ốc sinh trưởng kém, thậm chí bị chết" – chị Trang cho hay.

Nuôi ốc công nghệ cao và sự khác biệt

Để khắc phục điều kiện thời tiết bất lợi, nuôi ốc quanh năm, chị Trang đã cất công tham quan nhiều trang trại công nghệ cao, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm.

Đến đầu năm 2024, chị Trang mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mượn thêm tiền của người thân để đầu tư trại nuôi ốc bươu đen theo hướng công nghệ cao.

 Hệ thống lọc, xử lý nước và sục khí giúp đảm bảo chất lượng nước trong ao nuôi, ốc bươu đen sinh trưởng tốt. Ảnh: Ngọc Vũ.

 Hệ thống lọc, xử lý nước và sục khí giúp đảm bảo chất lượng nước trong ao nuôi, ốc bươu đen sinh trưởng tốt. Ảnh: Ngọc Vũ.

Trại nuôi ốc bươu đen công nghệ cao của chị Trang gồm 4 ao, diện tích 1.000m2, có điện 3 pha, hệ thống nhà màng, ao nuôi được lót bạt, đặc biệt là hệ thống lọc, xử lý nước hiện đại.

Tháng 7/2024, chị Trang mua 350.000 con ốc giống thả nuôi trong trại công nghệ cao được đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Sau 4 tháng chăm sóc, chị Trang có thể thu hoạch được 7 tấn ốc thịt. Với giá bán 80.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả các chi phí, chị Trang lãi 290 triệu đồng.

Theo chị Trang, nuôi ốc ở ao hồ tự nhiên phải thường xuyên thay nước, vét bùn và chất thải lắng đọng ở đáy để khử khí độc, mất nhiều thời gian, chi phí. Việc kiểm soát độ PH, nhiệt độ và các yếu tố bất lợi tốn chi phí, công sức và khó đảm bảo khiến ốc chậm phát triển.

Nuôi ốc bươu đen theo hướng công nghệ cao, có hệ thống nhà màng ngăn mưa, che nắng nên độ PH và nhiệt độ nước trong hồ được đảm bảo. Hồ nuôi được lót bạt giúp giảm tỷ lệ hao hụt nước. Hệ thống lọc, xử lý nước công nghệ cao giúp quá trình vệ sinh nước trong hồ nuôi thường xuyên, cung cấp nhiều ô xy, phối trộn khoáng chất từ đó ốc sinh trưởng nhanh hơn.

Đặc biệt, hệ thống lọc, xử lý nước công nghệ cao này được chị Trang tích hợp vào điện thoại thông minh, có thể theo dõi các chỉ số trong nước và điều khiển từ xa.

 Hệ thống lọc, xử lý nước ao nuôi ốc bươu đen hiện đại, kết nối với điện thoại thông minh để điều khiển từ xa. Ảnh: Ngọc Vũ.

 Hệ thống lọc, xử lý nước ao nuôi ốc bươu đen hiện đại, kết nối với điện thoại thông minh để điều khiển từ xa. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Nuôi ốc bươu đen trong hồ tự nhiên mất 5 tháng mới có thể thu hoạch, kích cỡ ốc từ 45 đến 50 con mỗi kg và chỉ nuôi được một vụ vào mùa hè. Nuôi ốc bươu đen công nghệ cao chỉ cần 4 tháng có thể xuất bán, kích cỡ 35 đến 40 con mỗi kg, đặc biệt mỗi năm nuôi được 3 vụ" – chị Trang nói.

Cũng theo chị Trang, thời gian hoạt động của ốc bươu đen chủ yếu từ 5h chiều hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Thời gian còn lại ốc bươu đen ít cử động. Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là thức ăn xanh như bầu, bí, mướp, rau khoai, bèo tây… Ngoài ra, chị Trang còn bổ sung cám gạo, cám ngô cho ốc bươu đen ăn.

Để tăng hiệu quả nuôi ốc, chị Trang đã đầu tư hệ thống sản xuất viên cám nổi. Những loại thức ăn xanh kể trên được chị Trang xay trộn với các loại cá, khuyếc khô… để cho ra viên cám nổi có hàm lượng dinh dưỡng cao. Từ đó chị Trang chủ động nguồn thức ăn cho ốc, đồng thời dễ kiểm soát lượng thức ăn theo từng thời kỳ sinh trưởng của ốc, tránh bị dư thừa, hao phí.

Ngoài ra, chị Trang còn đầu tư hệ thống ấp trứng ốc cho ra con giống nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo chất lượng đầu vào.

 Ốc bươu đen nuôi theo hướng công nghệ cao của chị Trang được chứng nhận Vietgap. Ảnh: Ngọc Vũ.

 Ốc bươu đen nuôi theo hướng công nghệ cao của chị Trang được chứng nhận Vietgap. Ảnh: Ngọc Vũ.

Chị Trang cho biết, thị trường tiêu thụ ốc bươu đen rất rộng mở, cung không đủ cầu. Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng với nguồn vốn và kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế, chị Trang rất mong các cấp chính quyền, sở, ban ngành quan tâm hỗ trợ thêm về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật… để chị chăn nuôi hiệu quả, bền vững.

"Sản phẩm ốc bươu đen của mình đã được chứng nhận Vietgap nhưng chỉ mới xuất bán thô. Ước mơ của mình là có thể mở rộng quy mô, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu trước khi xuất bán ra thị trường" – chị Trang chia sẻ.

Ốc bươu đen còn gọi là ốc lác, ốc nhồi, ốc mít. Đây là một loài động vật thân mềm, sống ở nước ngọt với một nắp.

Ốc bươu đen chứa lượng protein đáng kể, cùng các khoáng chất như canxi, kẽm, selen, cần thiết cho sự phát triển cơ bắp và các chức năng khác của cơ thể. Ngoài ra, ốc bươu đen còn có các vitamin, chất béo không bão hoà.

Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy trong 100g ốc bươu đen có thể chứa khoảng 1000mg canxi, 11,1g đạm, 700mg chất béo và các khoáng chất khác như photpho, magie, selen.

Ốc bươu đen được chế biến thành nhiều món ăn như xào, hấp, nướng, bún riêu ốc, chả, nem ốc…

Nguồn:danviet.vn

Tin khác

Kinh tế trang trại 1 giây trước
Nuôi ốc bươu đen (nuôi ốc nhồi) theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chị Võ Thị Trang (32 tuổi, trú thôn Xa Bắc, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cho ra con đặc sản, bán hút hàng.
Kinh tế trang trại 2 ngày trước
Trang trại bất ngờ mất điện, hệ thống làm mát bị hỏng khiến gần 8.000 con gà của vợ chồng khổ chủ ở Hà Tĩnh bị chết ngạt, thiệt hại hàng tỉ đồng.
Kinh tế trang trại 2 ngày trước
Hội Nông dân huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vừa giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đối với dự án “Nuôi ngựa sinh sản” tại xã Thèn Sin.
Kinh tế trang trại 1 tuần trước
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa Cao Văn Cường kỳ vọng trang trại lợn Agri-Vina khắc phục ô nhiễm, “biến tai tiếng thành nổi tiếng” với mô hình chăn nuôi hiện đại, thân thiện môi trường.
Kinh tế trang trại 1 tuần trước
Tây Ninh xác định phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chiến lược và mang tính đột phá, tạo động lực quan trọng để nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh.